Cận cảnh xây dựng chính sách GD hướng tới phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Singapore

GD&TĐ - Nền kinh tế vững mạnh của đảo quốc Singapore liên quan trực tiếp đến chiến lược và các chính sách giáo dục. Ngay từ khi lập quốc, chính phủ Singapore đã lựa chọn việc phát triển con người thông qua giáo dục là chìa khoá quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của quốc gia, trong đó “Đào tạo nguồn nhân lực có đẳng cấp quốc tế” và “Trọng dụng nhân tài” là chiến lược xuyên suốt quan trọng nhất mà chính phủ Singapore đã kiên trì theo đuổi kể từ khi lập quốc.  

Học sinh phổ thông tại Singapore được tạo môi trường học tập cả trong và ngoài nhà trường
Học sinh phổ thông tại Singapore được tạo môi trường học tập cả trong và ngoài nhà trường

Dấu ấn những chiến lược về GD - ĐT

Chiến lược “Nhà trường tư duy, quốc gia học tập” nhằm mục đích thắt chặt tinh thần dân tộc và củng cố niềm tin vào tương lai của người dân Singapore.

Chiến lược “Dạy ít hơn, học nhiều hơn” tập trung nâng cao chất lượng học tập của sinh viên, kiểu học vẹt, học vì thành tích và phong cách giảng dạy “dành cho tất cả mọi người” sẽ bị loại bỏ. Sinh viên chủ động, sáng tạo hơn trong học tập và rèn luyện toàn diện để phát triển tư duy, nhân cách và những tố chất để thành công trong tương lai.

Chiến lược “Đi tắt đón đầu” thể hiện trong việc liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài, những trường đã có kinh nghiệm đào tạo lâu năm và được thế giới công nhận về chất lượng đào tạo. Chất lượng đào tạo tại các trường tư được kiểm soát chặt chẽ bởi Ủy ban Quản lý các trường tư (CPE) trực thuộc Bộ Giáo dục Singapore.

Chiến lược “Quốc gia thông minh”: Là nơi được xây dựng không phải bởi chính phủ mà bởi tất cả công dân làm việc trong tất cả các lĩnh vực. Trong chiến lược này, thông qua sức mạnh của công nghệ, cuộc sống con người được đáp ứng các nhu cầu khác nhau, xây dựng trên nền tảng kinh tế lớn mạnh và sự gắn kết cộng đồng. Nguồn gốc và sự thành công của quốc gia thông minh không phải nhờ từ những dòng vốn nước ngoài mà chính là giáo dục và con người.

Chiến lược “Trung tâm giáo dục thế giới”. Singapore cũng xác định giáo dục là một kênh hữu hiệu thu hút du học sinh nước ngoài. Chính vì vậy, ngoài cải tiến hệ thống giáo dục, Singapore cũng có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các giáo sư, tiến sĩ, các giảng viên cao cấp. Hiện tại, du học sinh đến Singapore là rất lớn và nước này cũng là một trong những trung tâm đào tạo uy tín của thế giới.

Tăng cường ngân sách đầu tư cho giáo dục

Việc đầu tư cho giáo dục không cố định mà chính phủ sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế của đất nước qua các năm để quyết định tăng lên hay giảm đi, đầu tư vào cấp nào trong hệ thống giáo dục.

Ngoài ra, chính phủ Singapore đã thành lập những chương trình và các quỹ nhằm hỗ trợ phát triển kỹ năng. Nguồn vốn để hoạt động một phần từ chính phủ, phần còn lại là do các ông chủ xí nghiệp, công ty đóng góp với mức 2% tiền thu nhập hàng tháng của mình. Số tiền này dành để tài trợ cho những công nhân trong xí nghiệp có mức lương thấp, cho họ học thêm, hoặc cho đào tạo lại.

Chính phủ Singapore cũng kêu gọi các công ty, tổ chức quốc tế và các chính phủ trên thế giới giúp đỡ về nguồn vốn, thiết bị kỹ thuật, giảng viên và chương trình giảng dạy để thành lập các trung tâm đào tạo và nghiên cứu tại nước này.

Thu hút nguồn nhân tài từ bên ngoài là thế mạnh để GD-ĐT của Singapore phát triển
  • Thu hút nguồn nhân tài từ bên ngoài là thế mạnh để GD-ĐT của Singapore phát triển

Đổi mới hệ thống giáo dục, chương trình đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên

Singapore có đội ngũ giáo viên đạt chất lượng cao. Bộ Giáo dục Singapore rất thận trọng trong tuyển chọn những giáo viên tiềm năng từ số học sinh thuộc nhóm dẫn đầu về thành tích học tập sau khi tốt nghiệp THPT. Sinh viên thi vào ngành sư phạm đều được chọn lọc kĩ trước khi được đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh tương đương với lượng giáo viên thiếu trong ngành. Mục tiêu của Singapore là làm thế nào để đảm bảo mọi giáo viên đều trở nên xuất sắc.

Thống nhất chương trình giảng dạy - thi cử, chú trọng ngoại ngữ, pháp luật, kỹ năng và hướng nghiệp

Singapore đưa ra “Chính sách song ngữ”. Từ năm 1966, chính phủ quy định tất cả học sinh ở cấp tiểu học buộc phải học song ngữ (tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ). Ngoài ra, chính phủ cũng khuyến khích và phát động phong trào học thêm ngoại ngữ thứ 3 (như tiếng Nhật, Đức, hoặc Pháp). Đó là bước ngoặt quan trọng không những tạo dựng bản sắc dân tộc quốc gia Singapore, mà còn tạo ra sự bình đẳng, cơ hội tìm kiếm việc làm.

Singapore không tổ chức các kỳ thi đại học mà xét tuyển căn cứ kết quả học tập ở các cấp học phổ thông. Việc xét tuyển được tiến hành tập trung, theo đó, mỗi trường quyết định các tiêu chuẩn tuyển sinh của mình và tự chịu trách nhiệm. Mặc dù điểm đầu vào là do xét tuyển, tuy nhiên Singapore đặc biệt yêu cầu cao ở thi tốt nghiệp đại học.

Tất cả các học sinh ở cấp trung học lớp trên bắt đầu được đào tạo hướng nghiệp, chú trọng đến các môn khoa học tự nhiên, khoa học ứng dụng, khoa học quản lý kinh tế và nghiệp vụ kinh doanh. Tin học trở thành môn học bắt buộc ngay từ cấp trung học.

Không cào bằng kiến thức mà được phân luồng một cách khoa học, người học được đánh giá theo khả năng. Học sinh giỏi, nhân tài sẽ có một chương trình học riêng. Kỹ năng nào của người học cũng được phát huy để có thể thành công.

Chú trọng mở rộng hệ thống các trường dạy nghề, các trung tâm đào tạo năng lực chuyên môn và các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, từ cấp Nhà nước đến các ngành và công ty.

Coi trọng giáo dục pháp luật, văn hóa truyền thống và tinh thần đoàn kết dân tộc quốc gia.

Singapore không tổ chức các kỳ thi đại học mà xét tuyển căn cứ kết quả học tập ở các cấp học phổ thông.

Chính sách thu hút nhân tài trong và ngoài nước

Có chính sách thu hút nhân tài rõ ràng, đồng bộ và bài bản nhất thế giới với nhiều chương trình khác nhau phù hợp với từng đối tượng. Năm 1997, Vụ Tài năng quốc tế thuộc Bộ Nhân lực đã xây dựng và thực hiện chính sách đầu tiên có tên gọi “Kết nối Singapore”; sau đó là nhiều chương trình khác như Chương trình Careers@Singapore, Chương trình Careers@Home, Chương trình tiềm năng “The High Potential - HiPo”, Chương trình Milestone, Chương trình “SkillsFuture”.

Từ năm 1998, chính phủ đã thành lập “Ủy ban Tuyển dụng Tài năng Singapore” (STAR). Năm 1999, Hội đồng Phát triển kinh tế (Economic Development Board) đã được thành lập và đi vào hoạt động, đưa ra hai chương trình lớn trong mục tiêu thu hút nhân tài, bao gồm Chương trình Nhân lực thế kỷ XXI và Chương trình Nhân lực quốc tế.

Những chương trình này hoạch định và thực hiện chính sách sử dụng người nhập cư, hay còn gọi là chính sách tuyển mộ nhân tài nước ngoài. Chính phủ Singapore tuyển chọn nhân tài dựa trên năng lực, khả năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước này chứ không phân biệt quốc tịch, chủng tộc của người nhập cư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.