Đã tính toán kỹ khi chọn hình thức thi trắc nghiệm
- Bộ GD&ĐT làm rõ lý do chọn hình thức thi trắc nghiệm khách quan? Mức độ phân hóa trong đề thi như thế nào?
Đề thi có vai trò quyết định cho thành công của kỳ thi. Bộ GD&ĐT đã kiên trì thực hiện nhiều năm trên cơ sở phương thức thi phù hợp với những gì diễn ra trong dạy học, kiểm tra đánh giá ở trường phổ thông.
Năm nay, tại sao các bài thi chủ yếu theo hình thức trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn. Theo tôi, đặc tính của bài thi trắc nghiệm khách quan phù hợp với kỳ thi đánh giá mức độ cơ bản, số lượng thí sinh đông. Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm có khoảng 1 triệu thí sinh dự thi và bản chất đây là kỳ thi là đánh giá học vấn phổ thông, xét tốt nghiệp và làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Với mục đích và quy mô đó, hình thức thi trắc nghiệm là phù hợp.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã trao đổi, từ 2007, chúng ta cũng đã thực hiện thi trắc nghiệm với 4 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Các trường cũng đã được hướng dẫn, triển khai tập huấn trong việc xây dựng ma trận ngân hàng câu hỏi. Thực tế cho thấy, chúng ta đã thành công trong việc thi trắc nghiệm với 4 môn nói trên và học sinh cũng đã quen với cách thức này.
Riêng môn Toán, ở các cấp độ khác nhau cũng đã sử dụng hình thức thi trắc nghiệm. Trong sách giáo khoa và sách bài tập môn Toán đã có sử dụng hình thức này.
Hạn chế thấp nhất học sinh nhìn bài nhau
- Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi sẽ được thực hiện như thế nào?
Lực lượng làm ngân hàng câu hỏi là đội ngũ các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy trong các trường THPT, các trung tâm GDTX, có nhiều kinh nghiệm và nhiều năm tham gia xây dựng đề thi với Bộ GD&ĐT. Cùng với đó là chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, giảng viên ĐH am hiểu về phổ thông, nắm vững quy trình cũng như có kinh nghiệm trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi.
Nhiều năm qua, chúng ta đã có ngân hàng câu hỏi tương đối lớn. Thêm đó, năm 2017, chúng ta kế thừa sản phẩm của ĐHQG Hà Nội.
Chúng tôi sẽ tính toán, tập hợp lực lượng cán bộ giáo viên, chuyên gia đủ lớn để từ nay đến tháng 5 năm tới, chuẩn bị đầy đủ các quy trình, các bước xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi, đảm bảo đủ số lượng để mỗi học sinh trong phòng thi có đề thi khác nhau với mức độ trùng lặp cho phép có thể vào khoảng 20%, hạn chế thấp nhất việc học sinh nhìn bài nhau.
Đề thi đảm bảo phân hóa để xét tốt nghiệp và tuyển sinh
- Mức độ cơ bản và nâng cao trong mỗi đề thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2017 ra sao?
Năm 2015 và 2016, đề thi THPT quốc gia được thiết kế bao gồm khối kiến thức ở mức độ cơ bản để phục vụ xét tốt nghiệp THPT và có phần phân hóa để xét tuyển ĐH, CĐ với tỷ lệ vào khoảng 60 – 40, đây là mức thấp nhất.
Còn khi xây dựng đề thi cho năm 2017, chúng tô sẽ có tính toán hợp lý để bảo đảm đạt mục tiêu kỳ thi cũng như phù hợp với thời gian, phương thức thi.
Lý do điểu chỉnh số câu hỏi trong bài thi tổ hợp
- Bộ GD&ĐT nói rõ hơn về việc điều chỉnh số câu hỏi trong bài thi tổ hợp?
Xét về lý thuyết khoa học, nếu như số câu hỏi trong dự thảo, chúng ta cũng có thể làm được câu hỏi đáp ứng kỳ thi, tuy nhiên sẽ khó khăn hơn.
Sau khi tiếp thu ý kiến, chúng tôi điều chỉnh mỗi môn trong bài thi tổ hợp gồm 40 câu hỏi, làm trong thời gian 50 phút. Tương tự với bài thi Ngoại ngữ, điều chỉnh là thành 50 câu trắc nghiệm, làm trong trong 60 phút.
- Với đề thi trắc nghiệm, quy định điểm liệt là 1 điểm có thấp?
Trên thực tế, việc quy định điểm liệt trong 2 năm vừa qua, với thang điểm 10 thì điểm liệt là 1 điểm, quy định đó là hợp lý. Về lý thuyết, mức độ tối đa thí sinh tích “bừa” trong bài thi trắc nghiệm cũng có thể đạt 25%. Nhưng trên thực tế, qua phân tích bài trắc nghiệm trong các kỳ thi thì lấy điểm liệt như quy định (1 điểm) là hợp lý.
Bài thi tổ hợp đạt mục tiêu kép
- Việc cho thí sinh làm bài thi tổ hợp nhằm mục đích đánh giá toàn diện. Tuy nhiên, chương trình – SGK mới, bậc THPT là định hướng nghề nghiệp. Hai điều này có mâu thuẫn?
Hoàn toàn không mâu thuẫn. Từ năm 2015, việc xét công nhận tốt nghiệp đã sử dụng điểm đánh giá quá trình để học sinh phải học đều các môn, đảm bảo yêu cầu kiến thức kỹ năng tối thiểu.
Năm 2017, bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; bài thi khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân cũng nhằm từng bước hạn chế học lệch.
Còn cho học sinh tự chọn giữa bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội phục vụ mục tiêu trên cơ sở đảm bảo học vấn phổ thông cơ bản, các em định hướng nghề nghiệp. Do đó, phương án của chúng ta đã đạt được mục tiêu kép.
Bài thi tổ hợp là bước chuẩn bị phù hợp để tiến dần tới bài thi tích hợp. Việc này cần sự chuẩn bị phù hợp với thực tiễn phổ thông.
Cách thi phù hợp với cả học sinh trường chuyên
- Bài thi trắc nghiệm liệu có làm khó học sinh trường chuyên hay không?
Việc thi theo hình thức nào chỉ là hình thức để học sinh trình bày. Nên khi các em đã nắm chắc kiến thức, học giỏi thì thi trắc nghiệm hay tự luận đều đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, quá trình dạy học luôn có sự sử dụng phối kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm.
Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học: Học sinh dù chuyên Toán hay chuyên Địa, chuyên Sinh… đều phải học kiến thức phổ thông trong chương trình bình thường. Với thi học sinh giỏi, chúng ta phải thi tự luận và đòi hỏi tư duy cao hơn, khác với thi tốt nghiệp chủ yếu cần học sinh đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng phổ thông.
Năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ ra việc xây dựng ma trận đề, hướng dẫn ra đề thi tự luận và trắc nghiệm. Mỗi đề thi có 4 mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Tất cả quy trình làm đề đều theo quy định đó.
Ngoài ra trong các công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học đều có chỉ đạo việc phải xây dựng ma trận đề cho cả trắc nghiệm và tự luận; nói rõ trong đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi bài tập tự luận và trắc nghiệm theo 4 mức độ như trên.
Từ năm 2011, các trường đã hướng dẫn học sinh như vậy, đã kiểm tra đánh giá như vậy. Khi có phương án chính thức, có đề minh họa, học sinh sẽ cảm thấy rất bình thường. Bởi dù thi tự luận hay trắc nghiệm, các em đều phải nắm vững kiến thức, kỹ năng.