Đón chúng tôi tại sân bay quốc tế Incheon, cô hướng dẫn viên Lê Hoàng Huỳnh Trang (sinh trưởng tại TPHCM, cựu SV Trường ĐH Đông Phương học tại thủ đô Seoul), cho biết nhiều về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của xứ sở Kim Chi này. Để có một Hàn Quốc phát triển như ngày nay, GD đóng góp một phần hết sức quan trọng, đặc biệt là trong việc phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ…
Áp lực trong thi thử
Những điều này, chúng tôi được tìm hiểu rõ hơn khi tiếp xúc với các nhà quản lý GD Hàn Quốc. Giống như Nhật Bản, hệ thống GD Hàn Quốc hiện nay được xây dựng theo mô hình kiểu Mỹ và phương Tây: Mô hình 6 - 3 - 3 - 4 (6 năm tiểu học, 3 năm THCS, 3 năm THPT và 4 năm CĐ hoặc ĐH). Ngoài ra còn có các chương trình đào tạo sau ĐH (thạc sĩ và tiến sĩ). Ở Hàn Quốc cũng có các trường trung cấp nghề và trường dạy nghề với thời gian đào tạo từ 2 - 3 năm. Hệ thống GD này đã và đang được tiến hành hoạt động theo các cách thức khác nhau: GD phổ thông, chính quy và GD đặc biệt, không chính quy.
Phương hướng của đổi mới GD được xác định là: GD lấy học trò làm trung tâm; đa dạng hoá, đặc trưng hoá; tự giác và trách nhiệm; tự do, bình đẳng, cân đối; GD mở thông qua mạng thông tin - số hoá; GD phát triển cao trong một thời gian ngắn nhất.
SGK giảng dạy được viết theo nội dung của “Hai nửa bán cầu”. Hàn Quốc đã biến nội dung 2 bộ SGK của Mỹ và Nhật Bản thành bộ SGK của nước mình. Các bộ môn như Lịch sử, Địa lý, GD công dân thì được soạn theo nội dung kiến thức của nước sở tại.
HS Hàn Quốc cũng rất áp lực trong việc thi cử, bằng cấp. HS cuối cấp đều phải học 16 tiếng mỗi ngày, trừ thời gian ăn cơm, vệ sinh và ngủ, thời gian còn lại đều dành cho việc học. Việc “cày” bài vở cần mẫn như vậy kéo dài suốt 12 tháng. Khẩu hiệu nổi tiếng với HS cuối cấp là “Bốn đỗ, năm trượt”, nghĩa là mỗi ngày chỉ ngủ 4 tiếng mới có cơ hội “vượt vũ môn”, nếu ngủ đến 5 tiếng sẽ trượt đại học. Nhiều HS phải đứng bên bàn cao học bài, làm bài, vì ngồi học sợ ngủ gật. Áp lực thi cử đè nặng tâm lý HS, hiện tượng HS học thêm về sau 11 giờ đêm vẫn phổ biến. Gần đây chính phủ Hàn Quốc có những nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng này nhưng thực tế vẫn chưa chuyển biến. Người Hàn Quốc quan niệm “không xây nhà quá to, không cho con nhiều tiền” nhưng lại cho con học hành đến hết khả năng, với những chi phí rất lớn.
Trường ĐH hiện đại
Chúng tôi đến thăm Trường ĐH JoongBu. Ánh nắng cuối đông dát vàng trên những tòa giảng đường cao tầng, vương vào những cành cây trơ trụi mùa trút lá, nhưng nhiệt độ vẫn 0 độ C. Đây là trường ĐH dân lập ở miền Trung, cách thủ đô Seoul khoảng 150km, nơi có khá đông SV Việt Nam theo học (Hàn Quốc có khoảng 70% trường ĐH dân lập). Được thành lập năm 1983, JoongBu là ngôi trường nổi tiếng về chất lượng GD với khoảng 400 giảng viên có trình độ cao và gần 12.000 SV được đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp. Phần lớn các em được hưởng mức học phí rẻ thông qua các chương trình học bổng đa dạng của trường.
TS Minhee Lee - Giám đốc Trung tâm quản lý HS quốc tế của trường - dẫn chúng tôi đi thăm khu giảng đường, các phòng chức năng, khu ký túc xá hiện đại gồm hai loại phòng: 2 người và 4 người, được trang bị nhà bếp và nhà ăn tiện nghi; phòng y tế học đường, phòng rèn luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí với các phương tiện hiện đại… TS Minhee Lee cho biết trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 54 trường ĐH ưu tú trên thế giới thuộc 10 quốc gia phát triển. Trường có tất cả các chuyên ngành cần thiết cho một xã hội hiện đại. Hệ thống đào tạo có 23 ngành nghề thuộc hệ ĐH. Nhiều chuyên ngành rất phù hợp với SV Việt Nam. Hệ cao học có 42 chuyên ngành. Sau khi hoàn thành chương trình ĐH, các em có thể ở lại học tiếp cao học và có thể lập nghiệp tại Hàn Quốc khi có đủ kiến thức và kỹ năng.
Lưu HS khi học ở Trường JoongBu, sau 6 tháng nhập học và học tiếng xong, ngoài giờ lên lớp ngày 2 buổi, các em có thể dành thời gian buổi tối đi làm thêm để có thu nhập. Nhà trường tạo điều kiện giới thiệu các cơ sở làm thêm cho các em. Thời gian làm thêm từ 17 - 21 giờ và ngày nghỉ trong tuần. Thu nhập trung bình khoảng 25 - 30 triệu VNĐ/tháng.
Hệ thống GD Hàn Quốc rất linh hoạt, tạo mọi thuận lợi để phát triển khả năng của thế hệ trẻ, kích thích tính tự chủ, sáng tạo của HS, SV. Theo môi trường học tập tiên tiến như vậy, HS, SV không chỉ được trau dồi kiến thức chuyên môn mà còn có nhiều cơ hội phát triển bản thân. Đó cũng là những nguyên nhân để đất nước của xứ sở Kim Chi cất cánh.