Cuối giờ chiều, anh Quàng Văn Thịnh (27 tuổi) tất tả dắt chiếc xe đạp, đón con gái Hồng Phúc gần 3 tuổi đi học mẫu giáo về. Chị Hậu, vợ anh đứng chờ sẵn ở cửa. Thấy mẹ, cô con gái nhỏ sà vào lòng, tíu tít kể đủ thứ chuyện.
Tranh thủ lúc con chơi với mẹ, Thịnh vào bếp nấu nồi cháo cho cô con gái nhỏ. Thỉnh thoảng, nghe thấy tiếng con líu lo, ông bố trẻ lại góp vui bằng vài câu bông đùa. Căn nhà trọ rộng khoảng 16m2, trở nên rộn rã, đầy ắp tiếng nói cười hạnh phúc.
Cả Thịnh và Hậu chỉ cao khoảng 1m, thân hình nhỏ thó như đứa trẻ lên 5. Người dân xung quanh vẫn gọi vui là gia đình tý hon. Hàng ngày cặp vợ chồng trẻ mưu sinh bằng việc bán hàng rong, tăm bông, kẹo cao su khắp các ngõ nhỏ ở Hà Nội.
Cô con gái lên 3 tuổi, được bố mẹ gửi ở một trường mầm non gần nhà. Ngày nào cũng vậy, dù bán hết hàng hay chưa, cứ khoảng 1 giờ chiều là Hậu và Thịnh lại bắt xe bus trở về nhà để kịp giờ đón con. Thân hình bé nhỏ, chiều cao khiêm tốn nên đi đâu cặp vợ chồng trẻ cũng nhận được sự chú ý của mọi người xung quanh.
Sinh ra tại một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Điện Biên, nhà có 5 anh chị em nhưng chỉ mình Thịnh không may bị khiếm khuyết về ngoại hình.
Học xong lớp 10, Thịnh khăn gói xuống Hà Nội nhận làm thuê đủ nghề để kiếm sống, từ làm nhôm kính, rửa bát đến phục vụ quán ăn… Tuy nhiên, sức khỏe yếu nên làm ở đâu, Thịnh cũng chỉ làm được một thời gian ngắn rồi nghỉ.
May mắn sau đó, anh xin được vào đoàn hát nghệ thuật tình thương dành cho người khuyết tật. Thịnh gặp Hậu trong một lần diễn văn nghệ chung của đoàn. Cô hơn anh một tuổi, quê Hưng Yên. Giống như Thịnh, Hậu cũng gặp khiếm khuyết về ngoại hình. Như tìm được sự đồng cảm, Thịnh chủ động đến làm quen và xin số điện thoại của Hậu.
Ban đầu cả hai xưng hô “chị-em”. Cứ có thời gian rảnh, Thịnh lại gọi điện nói chuyện, tâm sự với người chị “kết nghĩa” của mình. Những cuộc điện thoại “không đầu, không cuối” nhưng có khi kéo dài cả tiếng mà không ai muốn dứt. Sự chân thành, tình cảm của Hậu khiến Thịnh dần nảy sinh tình cảm.
“Nói chuyện được hơn 1 tháng, mình phát hiện đã thích Hậu rồi nên chủ động, chuyển xưng hô sang “anh - em”. Tuy nhiên, Hậu lúc đó “cứng đầu” lắm, nhất định không chịu làm “em”, bắt mình gọi “chị” mới nói chuyện tiếp”, Thịnh cười kể.
Thời gian sau đó, đoàn văn nghệ của Hậu chuyển vào Đắk Lắc, Thịnh ở lại với đoàn cũ. Một lần, lấy hết can đảm, Thịnh nhắn tin tỏ tình với Hậu. Tưởng “cậu em trai” trêu đùa, Hậu cũng không ngần ngại thách thức: “Nếu yêu nhau thật thì vào Đắk Lắc cùng nhau đi”.
Ai ngờ, Thịnh viết đơn xin nghỉ việc, bắt xe khách vào Đắk Lắc ngay sau đó. Nhìn thấy Thịnh, Hậu cảm động, bật khóc vì xúc động. “Ban đầu, mình cứ nghĩ Thịnh chỉ bông đùa, khi biết tình cảm anh ấy dành cho mình là thật, bản thân rất hạnh phúc, cảm động”, Hậu kể.
Lần đó, trên chuyến xe đi chung, Thịnh chủ động nắm tay Hậu. Anh bảo, khoảnh khắc ấy khiến “tim đập loạn xạ, người vã mồ hôi như tắm vì hồi hộp”. Tuy nhiên, Hậu cho biết anh cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì biết mình đã tìm được người con gái của cuộc đời.
Làm ở Đắk Lắc được một năm, Thịnh và Hậu trở ra Hà Nội, thuê nhà ở chung và tổ chức đám cưới vào năm 2015. Hậu có em bé ngay sau đó. Lúc biết tin mang thai, cặp đôi không giấu nổi lo lắng.
May mắn, quá trình mang thai Hậu khá suôn sẻ, em bé chào đời nặng hơn 3kg bằng phương pháp sinh mổ. Từ khi có con, cuộc sống của đôi vợ chồng “tí hon” ngày càng vất vả. Để kiếm thêm thu nhập, hết thời gian ở cữ, Hậu tranh thủ lấy rau về bán thêm đầu ngõ. Thịnh cũng tích cực lấy thêm hàng đi bán rong đến tối mịt mới trở về. Con gái được gần 3 tuổi, hai vợ chồng xin cho con nhập học vào trường mầm non gần nhà.
Thương hoàn cảnh vất vả hai vợ chồng, vị hiệu trường quyết định miễn học phí, chỉ yêu cầu đóng tiền ăn cho bé. Vài tháng trở lại đây, Hậu cũng sắm thêm chiếc giỏ, đi bán hàng rong cùng chồng. Cứ khoảng 8 giờ sáng, khi con gái theo cô giáo vào lớp, cặp vợ chồng tý hon lại tất tả ra điểm xe bus, đến các góc phố đông đúc ở Hà Nội để chào hàng.
Thịnh bảo, ngày may mắn, đông khách thì thu về khoảng 2 – 3 trăm nghìn nhưng ngày ít có khi không được đồng nào. Với số tiền này, cặp đôi tính toán, chia ra thành nhiều phần, một phần để đóng học cho con, phần để đóng tiền nhà, phần nhỏ để tích trữ phòng khi đau ốm, còn lại bao nhiêu mới chi tiêu thức ăn hàng ngày. “Nhiều lúc cũng thiếu thốn, đặc biệt có khi đến tháng đóng tiền nhà mà chưa đủ, hai vợ chồng đành phải nói khó, xin chủ nhà khất muộn vài hôm”, Thịnh kể.
Thương vợ vất vả, Thịnh thường giành làm những công việc nặng nhọc hơn để Hậu có thời gian nghỉ ngơi. Hàng ngày đi làm về, anh tranh thủ đạp xe đón con rồi đi chợ mua đồ. Thịnh nấu ăn rất khéo, lại chăm sóc con tỉ mỉ nên cô con gái Hồng Phúc bện bố hơn mẹ.
“Thịnh không lãng mạn, đôi khi hơi vô tâm, nhưng bù lại anh chu đáo, khéo vun vén cho gia đình. Ngày lễ Tết chồng không tặng quà mà chỉ vào bếp nấu ăn cho hai mẹ con”, Hậu hạnh phúc kể về chồng.
Con gái của hai vợ chồng tí hon có khuôn mặt kháu khỉnh và rất đáng yêu. Hậu hào hứng khoe, ngoài học trên lớp, hai vợ chồng còn đăng ký cho con học thêm lớp năng khiếu tiếng Anh.
Bé Hồng Phúc tiếp thu nhanh và tỏ ra hào hứng với mỗi tiết học. Đến giờ, con đã biết chào hỏi, đếm số thành thạo và hát bi bô một vài bài hát bằng tiếng Anh.
“Hai vợ chồng em tự nhủ, dù có nghèo, không đủ ăn nhưng không để con thiệt thòi. Đây cũng là lý do khiến em và chồng quyết tâm thuê nhà, bám trụ tại Hà Nội mà không ở trên Điện Biên. Vất vả nhưng nhìn thấy con khỏe mạnh hai vợ chồng cũng cam tâm”, Hậu nói.
Chia sẻ về mong muốn hiện tại, giọng Hậu trùng xuống, đôi mắt đỏ hoe. Cô bảo, chỉ mong ông trời thương cho thật nhiều sức khỏe để đi làm, lo cho con gái cuộc sống tốt nhất.
“Nhiều lúc nhìn con vui vẻ chơi đùa, em lại bật khóc vì thương con thiệt thòi và trách mình ích kỷ. Em mong con gái sau này sẽ được học tập trong môi trường tốt, có một nghề nghiệp ổn định để cuộc đời không khổ và thiệt thòi như bố mẹ”, Hậu tâm sự.