Cán bộ quản lý trường học: Ít người, nhiều việc

GD&TĐ - Nhiều trường học có quy mô trên 40 lớp nhưng chỉ có 2 phó hiệu trưởng nhưng đảm nhiệm nhiều đầu việc và kiêm nhiệm nhiều chức danh...

Trường Tiểu học Kim Hoa (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) triển khai họp chuyên môn đầu năm học. Ảnh: Hồ Phương
Trường Tiểu học Kim Hoa (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) triển khai họp chuyên môn đầu năm học. Ảnh: Hồ Phương

Chưa kể, theo quy định, cán bộ quản lý vẫn phải đứng lớp đủ số tiết theo quy định.

“Chạy sô”

Dù quy mô chỉ có 25 lớp học nhưng Trường Tiểu học Kim Hoa là đơn vị có nhiều điểm lẻ nhất trong các trường học tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Cô Hiệu trưởng Trần Thị Mỹ Bình cho biết, năm 2019 thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, 3 xã Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy được sáp nhập thành xã Kim Hoa. Do đó, các trường học trên địa bàn cũng sáp nhập thành Trường Tiểu học Kim Hoa với 4 điểm trường lẻ ở các thôn Kim Hoa, Kim Lĩnh, Kim Sơn, Kim Phúc. Điểm xa nhất cách điểm trung tâm 13km.

Thầy Trần Ngọc Út - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng): “Tổng Phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh có nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động của nhà trường. Một Tổng Phụ trách Đội tốt, có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm sẽ quán xuyến được các hoạt động ngoài giờ của nhà trường, hỗ trợ tốt cho lãnh đạo nhà trường trong mọi hoạt động ngoài chuyên môn. Lãnh đạo nhà trường luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, chuẩn bị về tài chính để Tổng Phụ trách Đội thực hiện nhiệm vụ của mình và nhà trường”.

Sau khi sáp nhập, trường có 25 lớp với tổng số học sinh hằng năm dao động từ 500 - 600 em. Mặc dù có quy mô dưới 28 lớp, nhưng do đặc thù có 4 điểm lẻ nên nhà trường được “đặc cách” bố trí 2 Phó Hiệu trưởng. Mỗi Phó Hiệu trưởng cùng với công tác chuyên môn sẽ phụ trách từng điểm trường.

“So với trước đây, khối lượng công việc đối với cán bộ quản lý cấp phó tăng gấp đôi. Hằng tuần, Phó Hiệu trưởng đều có kế hoạch đến các điểm trường nắm bắt tình hình dạy học, cơ sở vật chất trường lớp để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp”, cô Bình thông tin.

Dù đã nhiều năm làm công tác quản lý, nhưng cô Nguyễn Thị Nhàn - Phó Hiệu trưởng tại Trường Tiểu học Kim Hoa cho biết bản thân đôi khi khá “đuối” vì khối lượng công việc. “Với quy định hiện nay, Phó Hiệu trưởng nhà trường phải dạy 4 tiết/tuần. Để thuận tiện công tác chuyên môn và quản lý, chúng tôi được bố trí lên lớp trong một buổi.

Ngoài ra, các Phó Hiệu trưởng còn phải đảm nhận thêm công tác ngoài giờ, hoạt động trải nghiệm, phổ cập, các phong trào thi đua, kiểm tra công tác nội bộ, phân công giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu hằng tuần”, cô Nhàn liệt kê một số đầu việc mà mình đảm nhận.

Theo cô Nhàn, một trong những khó khăn của trường nhiều điểm lẻ là triển khai các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Việc tập trung để tổ chức các hoạt động quy mô rất ít do các địa điểm cách xa trường, di chuyển phức tạp. Chính vì vậy, trường chủ yếu tổ chức cho học sinh học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trên lớp, tích cực trình chiếu các video, hình ảnh.

Trường Tiểu học & THCS Thuận Lộc là 1 trong 2 trường liên cấp tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Trường hiện có 2 điểm trường cách nhau 1km. Trong đó, 1 điểm trường tiểu học với 10 lớp và điểm THCS với 8 lớp. Việc sắp xếp, bố trí công việc, thời khóa biểu cho 2 cấp học cũng chiếm nhiều thời gian của đội ngũ “người giúp việc” cho Hiệu trưởng nhà trường.

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Hiệu trưởng (phụ trách khối THCS), khó khăn về việc sắp xếp tiết dạy. Chương trình GDPT 2018, cấp THCS có phần phức tạp hơn so với cấp tiểu học và THPT vì có nhiều môn học tích hợp như: Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh); Lịch sử và Địa lý (Sử, Địa); Nội dung giáo dục địa phương (Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật); Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật). Chính vì thế, các Phó Hiệu trưởng chuyên môn ở cấp THCS cũng vất vả hơn khi phân bố thời khóa biểu.

Đối với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nhà trường phải sắp xếp 2 giáo viên phụ trách 2 cấp học với thời gian khác nhau. “Thay vì để một người tổ chức cùng thời gian cho cả 2 cấp học như trước kia thì việc sắp xếp tách rời gây khó khăn, phức tạp cho nhà trường trong khâu sắp xếp, phân bổ thời lượng. Bản thân Phó Hiệu trưởng quản lý còn nhiều việc nhưng vẫn phải dành thời gian tham gia cả 2 tiết này”, cô Hà cho hay.

can-bo-quan-ly-truong-hoc-1-5186.jpg
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tổ chức tập huấn chuyên đề Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp và công tác chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động dạy học năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC

Làm hết việc, không làm hết giờ

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có 50 lớp học với 2 điểm trường. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Bùi Thị Thanh Tuyền: “Theo quy định, nhà trường chỉ có 2 Phó Hiệu trưởng và đảm nhiệm tất cả đầu việc như quy mô của một trường học có 28 - 40 lớp.

Dù đã phân công lĩnh vực phụ trách, trong đó 1 Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, 1 Phó Hiệu trưởng phụ trách hoạt động ngoài giờ, kiểm định chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất… nhưng gần như 3 người trong Ban Giám hiệu phải có sự linh hoạt, “gánh” việc cho nhau khi cần thiết để hoạt động nhà trường trôi chảy”.

Đơn cử, trước đây, công tác thư viện là đầu việc của Phó Hiệu trưởng phụ trách hoạt động ngoài giờ. Nhưng từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi có sự điều chỉnh. Trong đó, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sẽ đảm nhận theo dõi để có những chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động, mua sắm… liên quan đến thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới.

Một Phó Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi còn kiêm nhiệm thêm cả công việc Chủ tịch Công đoàn. Theo quy định, nếu giáo viên kiêm nhiệm vị trí này thì được giảm định mức 4 tiết dạy, thế nhưng không có quy định nào cho thấy Phó Hiệu trưởng kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn thì được giảm tiết.

Ngược lại, Phó Hiệu trưởng vẫn phải dạy đủ 4 tiết/tuần theo quy định, không được quy đổi từ tiết điều hành sinh hoạt dưới cờ thành tiết dạy. “Đó là một thiệt thòi cho Phó Hiệu trưởng làm công tác kiêm nhiệm. Thế nhưng, các phần việc của tổ chức công đoàn thì nhiều, để giáo viên làm thì lại ảnh hưởng đến lịch dạy học vì còn phải đi hội họp, thi cử, báo cáo…” cô Tuyền phân tích.

Trường có quy mô lớn, lại có đến 2 cơ sở, ngoài dạy học còn tổ chức bán trú, vì vậy, khối lượng của mỗi Phó Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi rất lớn. Cô Bùi Thanh Tuyền phân trần, dù có phân công lĩnh vực phụ trách, nhưng nhiều lúc Hiệu trưởng cũng phải làm thay luôn phần việc cho Phó Hiệu trưởng để kịp tiến độ công việc.

Như năm học 2021 - 2022, có nhiều thời điểm chỉ có một mình Hiệu trưởng đảm nhận luôn phần việc của cả Ban Giám hiệu vì một Phó Hiệu trưởng được điều chuyển, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng ở trường khác, một Phó Hiệu trưởng khác nghỉ hưu trước tuổi. Suốt năm học 2023 - 2024, nhà trường vẫn khuyết 2 Phó Hiệu trưởng và mới được bổ nhiệm gần đây.

Hiện nay, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) có 4 trường THCS và 3 trường tiểu học có quy mô trên 40 lớp. Những trường này đều chỉ có 2 Phó Hiệu trưởng giúp việc cho Hiệu trưởng như các trường học có quy mô 28 lớp trở lên nên khối lượng công việc rất vất vả và nặng nề. Trong khi đó, với Chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương… không chỉ dừng lại là hoạt động ngoài giờ lên lớp mà trở thành một phần bắt buộc ở các cấp học.

can-bo-quan-ly-truong-hoc-3-1160.jpg
Cô Nguyễn Thị Nhàn - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Hoa (Hà Tĩnh). Ảnh: Hồ Phương

Xắn tay vào làm

Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có 49 lớp. Nhà trường có 2 Phó Hiệu trưởng, cũng phân công một người phụ trách chuyên môn, người còn lại phụ trách cơ sở vật chất và ngoài giờ.

Với Chương trình GDPT 2018, mỗi năm học, cô Võ Thị Quyết - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm phải xây dựng lại thời khóa biểu cho các khối lớp ít nhất là 7 lần, thường rơi vào các tuần 1, 10, 15, 19, 23, 28, 33 trong khung thời gian năm học. Điều này để đảm bảo phù hợp với việc tổ chức dạy - học các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý và thay đổi số tiết dạy của môn Công nghệ lớp 8, 9 khi chuyển từ học kỳ I sang học kỳ II của năm học.

Như vậy, trung bình khoảng 9 tuần, cô Võ Thị Quyết lại phân chia lại thời khóa biểu dạy học của giáo viên khối 8 - 9. Môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức dạy song song nên phải thay đổi phân công chuyên môn. Do phân bố số tiết giữa các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học không đồng đều nên nhà trường phải chia lại phân công chuyên môn cho phù hợp với số tiết dạy tại từng thời điểm.

Phó Hiệu trưởng gần như phải nắm vững chuyên môn của các môn học, tham gia hội đồng phản biện đề kiểm tra của 12 môn học. Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức kiểm tra định kỳ chung cho toàn khối lớp. Vì vậy, mỗi môn học, cô Quyết cùng tổ trưởng chuyên môn và giáo viên ra đề phản biện 3 đề kiểm tra, trong đó có một đề dành cho học sinh khuyết tật học hòa nhập.

Như vậy, mỗi đợt kiểm tra định kỳ, có ít nhất 144 đề thi cần phản biện để chọn ra mỗi môn một đề kiểm tra chính thức chung cho một khối lớp và một đề cho học sinh học hòa nhập. Với số lượng đề như vậy nhưng Phó Hiệu trưởng chỉ có khoảng 1 tuần, thậm chí 2 - 3 ngày để phản biện và chọn đề.

Thầy Bùi Duy Quốc - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm thông tin: “Tất cả đầu việc của Phó Hiệu trưởng làm phải tham mưu qua Hiệu trưởng. Vì vậy, nhiều nội dung công việc, Hiệu trưởng làm thay trong những tình huống cùng một lúc Phó Hiệu trưởng phải làm quá nhiều việc, thời gian báo cáo cho cấp trên ngắn, nên cùng xắn tay vào làm”.

Với Chương trình GDPT 2018, số lượng công việc của mỗi Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất và hoạt động ngoài giờ quá nhiều. Thầy Quốc ví dụ, mỗi tháng có một chủ điểm phải tổ chức; tổ chức cho giáo viên, học sinh tham gia các cuộc thi, văn nghệ, ngày hội, an toàn giao thông, phòng chống ma túy,... Số lượng các báo cáo cần hoàn thành cũng nhiều lại thêm công việc của tổ chức công đoàn.

Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có 61 lớp học với 2 Phó Hiệu trưởng. Theo thầy Trần Ngọc Út - Hiệu trưởng nhà trường, để mọi hoạt động của trường trôi chảy, giảm bớt khối lượng công việc cho Phó Hiệu trưởng chuyên môn thì cần phát huy vai trò của Tổ trưởng và Tổ phó chuyên môn, không chỉ là chuyên môn mà trong các hoạt động của trường. Mỗi tổ chuyên môn được phân công phụ trách và lên kế hoạch cho hoạt động ngoài giờ, hoạt động trải nghiệm phù hợp hoặc gần phù hợp với chuyên môn của tổ.

Chia sẻ về khó khăn trong công tác quản lý, thầy Trần Đề - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Thuận Lộc (Hà Tĩnh) bày tỏ: Với đặc điểm là trường liên cấp, 2 địa điểm nên công tác quản lý của Ban Giám hiệu cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng cùng với sự đồng lòng, giúp sức của các Phó Hiệu trưởng đã hoàn thành công việc mà Hiệu trưởng phân công, đồng thời đốc thúc được các tổ chuyên môn hoạt động có hiệu quả, nâng cao thành tích của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ