Tại đây, đa số ý kiến tại hội thảo cho rằng, dự thảo có nhiều ưu điểm như chuyển từ trang bị kiến thức cho HS sang phát triển phẩm chất năng lực HS và tăng khả năng thực hành gắn liền với thực tế cuộc sống.
Thầy Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho rằng, dự thảo đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức người học sang phát triển phẩm chất năng lực người học, tăng khả năng thực hành của người học, gắn giữa thực tế cuộc sống, chú ý nhiều đến rèn kỹ năng sống cho HS, chú ý nhiều hơn giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật cụ thể như tăng tiết môn Giáo dục công dân ở THCS; bổ sung hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trước đây là tích hợp.
Dự thảo đã xuất hiện các môn tự chọn mới, ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc thiểu số, đã chú trọng hơn đến dạy ngoại ngữ. Ở bậc tiểu học từ lớp 3, 4, 5 đã học ngoại ngữ. Ngoài ra, thêm nhiều hình thức các môn tự chọn phong phú thuận lợi cho HS. Có môn học tự chọn nhưng bắt buộc phải chọn trong những môn đưa ra, phù hợp tính phân hóa HS.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) đánh giá cao những mặt tích cực của Chương trình GDPT mới. “Ở Chương trình GDPT mới đã ý thức được tầm quan trọng trong việc giúp HS định hướng phát triển bản thân; chú trọng phát triển toàn diện của HS, ngoài kiến thức, dự thảo quan tâm nhiều đến phát triển kỹ năng, nền tảng đạo đức. Có đưa vào các môn học đang là xu hướng nghề nghiệp của xã hội, theo mối quan tâm của xã hội, tiếp cận được đời sống và ở bậc THPT đã đẩy mạnh hướng nghiệp. Ngoài ra, với số môn học đưa ra nhiều, được lựa chọn theo nguyện vọng, yêu thích của các em, những gì các em thích thì sẽ giúp các em giảm sự nặng nề trong việc học. Và đây cũng là vấn đề trong định hướng nghề sau này của các em”.
Bên cạnh những mặt tích cực của Chương trình GDPT mới, nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn về nội dung của chương trình, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, việc kiểm tra đánh giá HS cần được thay đổi nhiều hơn cũng như đề xuất nên thực hiện thí điểm trước khi thực hiện đại trà chương trình này.
Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, các ý kiến của đại biểu trong buổi góp ý sẽ được tổng hợp để chuyển về Bộ GD&ĐT trước ngày 29/4. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục nhận các ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo qua email, văn bản, qua cổng thông tin điện tử để tổng hợp và tiếp tục chuyển về Bộ trước thời gian 20/5.