Vì thế thay vì gọi các ông là “cán bộ chuyên trách”, dân làng đã gọi chệch đi là... “cán bộ chuyên chơi”. Trò thì vắng vẻ đìu hiu như thế, vậy mà lạ thay kỳ thi kiểm tra cuối học kỳ, hay thi tổng kết cuối năm, nhìn vào danh sách, bảng điểm..., số học sinh vẫn đạt chỉ tiêu trên giao.
Nể lời ông, tôi liền viết bài thơ có tên là “Chước quỷ mưu thần”. Nguyên văn như sau:
Ông muốn khoe khoang với “quý phòng”
Kỳ thi bổ túc học viên đông
Học sinh “ba bốn” ông càn hết
Bắt chúng ra đình thi hộ ông
Rủ rỉ ông thầm bảo các em
Đi thi để khuấy phong trào lên
Các em thơ bé nào đâu biết
Chước quỷ mưu thần để dối trên
Vì thế bài thi của các em
Lớp trường tổ nhóm đủ từng tên
Khiến ông đầu giấu mà đuôi hở
Phấn trắng lau rồi, lộ bảng đen...
Làm xong được ông bạn khuyến khích, tôi liền chép thêm một bản gửi lên báo NGƯỜI GIÁO VIÊN NHÂN DÂN (nay là báo Giáo dục - Thời đại). Ba tuần sau, ngày 24/3/1966, tôi vui mừng hết nói khi thấy báo đăng bài thơ trên nhưng đồng thời tôi cũng giật thót người khi thấy bên dưới tên tôi báo lại còn ghi thêm địa chỉ tác giả: “Trường cấp 2 Quỳnh Vân, Quỳnh Côi, Thái Bình”.
Thế là chết tôi rồi!
Từ đó tôi cứ nơm nớp chờ đợi một điều gì sẽ xảy ra...
Và quả đúng như thế! Một hôm, sau mấy ngày vắng nhà sang huyện khác dự hội nghị chuyên đề, tôi vừa về đến cổng trường đã thấy vợ tôi bế đứa con nhỏ chạy ra đón đầu với vẻ mặt không bình thường. Vợ tôi đưa ra một xấp những tờ giấy nho nhỏ
- Anh lên Phòng ngay! Vừa qua, ngày nào Phòng cũng cho người mang giấy xuống tróc nã anh đấy!
- Chuyện gì vậy?
Tôi hồi hộp hỏi lại.
- Chuyện bài thơ!
Tôi vội vã đạp xe lên Phòng. Tại đây liên tiếp mấy ngày liền tôi phải ngồi một chỗ để viết kiểm thảo về hành vi “Bôi nhọ phong trào Bổ túc văn hóa của huyện”. Sau đó là một buổi họp phê phán tôi. Bà trưởng Phòng nói:
Đồng chí làm nhục cả huyện này. Vừa qua khi tôi thay mặt cán bộ và nhân dân huyện nhà lên tỉnh nhận Huân chương về thành tích “Hoàn thành kế hoạch 5 năm về Bổ túc văn hóa” tôi bị anh NXH, trưởng Ty Giáo dục, khi trao bằng công nhận cho tôi cứ tủm tỉm cười, có vẻ như không tin vào thành tích của huyện ta.
Bà trưởng Phòng vừa nói xong thì ông phó Chủ tịch Văn xã chen vào:
Đồng chí viết thế, thử hỏi đồng bào miền Nam đọc sẽ nghĩ gì về miền Bắc tươi đẹp của chúng ta. Rồi cả thế giới sẽ nghĩ gì về dân tộc Việt Nam anh hùng và hiếu học...
Kết thúc buổi họp bà trưởng Phòng bắt tôi phải viết thư yêu cầu tòa soạn đăng lời cải chính. Tôi viết thư đi. Rất may, sau đó không lâu, đã nhận được thư hồi âm của một người ký tên LƯƠNG GIA NINH.
Trong thư anh Ninh, bằng lối chữ rất đẹp, rất xưa, đã khẳng định: Đồng chí đừng lo. Bệnh thành tích này không phải chỉ có riêng ở địa phương đồng chí đâu. Chúng ta cùng chịu trách nhiệm chung.
Không biết anh Lương Gia Ninh, cán bộ biên tập báo Người giáo viên nhân dân ngày ấy, bây giờ ở đâu. Anh còn nhớ chuyện này không nhỉ? Rất cảm ơn anh đã cứu tôi một bàn thua trông thấy.