Phản đối hành vi bạo lực của cô giáo là tâm lý chung, nhưng liên quan đến camera thì có khác nhau. Trong lúc phụ huynh đa phần tung hô vai trò “mắt thần” trong lớp học thì đội ngũ nhà giáo lại ít nhiều hoang mang, lo lắng.
“Cứ tưởng tượng mọi hành động, cử chỉ của mình đều có nhiều người theo dõi, giám sát thì căng thẳng vô cùng. Hôm rồi một đồng nghiệp mầm non đã xin nghỉ dạy, đi làm công nhân. Nguyên nhân thì nhiều nhưng đỉnh điểm cũng là tại… camera. Phụ huynh theo dõi từ xa, chỉ cần thấy con chậm chưa được ăn quả chuối là đã gọi điện mắng vốn cô giáo.
Giáo dục theo chương trình mới có những phương pháp khác với cách học cũ trước kia; phụ huynh cũng bốc máy phản ánh về cách thức dạy. Khi phụ huynh không còn tin tưởng nhà trường, không còn tin tưởng giáo viên, người thầy sẽ khó khăn biết bao nhiêu trong thực hiện nhiệm vụ” - một giáo viên chia sẻ.
Xuất phát điểm của việc gắn camera theo dõi hoạt động của công ty, xí nghiệp, đường phố… là để đảm bảo về an ninh. Khi camera “tiến đến” gắn trong phòng làm việc, theo dõi hoạt động làm việc nội bộ, vấn đề không chỉ giới hạn ở mục tiêu an ninh nữa, mà còn hướng đến giám sát sự chuẩn mực của nhân viên trong công việc. Vì thế, những năm gần đây, một số địa phương thực hiện thí điểm gắn camera trong lớp mầm non để quản lý hoạt động dạy học, xem như đây là một giải pháp phòng chống bạo lực với trẻ. Biện pháp này nhận được sự ủng hộ của phụ huynh. Nhiều ý kiến cho rằng, cũng cần thiết gắn camera tới những lớp cấp học cao hơn.
Thực tế cho thấy, việc bỏ ra một khoản tiền để trang bị camera hiện không là chuyện dễ trong điều kiện tài chính giáo dục khó khăn, nhưng, cũng không phải là quá khó với nhà trường. Cái khó nhất hiện nay là cần làm tốt công tác quản trị, với sự xuất hiện của camera. Trước đây, hoạt động dạy học của giáo viên chỉ có giáo viên, học sinh biết; lâu lâu có quản lý, đồng nghiệp dự giờ. Nay, khi thế giới đã phẳng, khi Google có thể soi từng góc nhà, góc phố trên hầu khắp Trái đất, mọi chuyện trong lớp học cũng không còn là điều bí mật riêng tư giữa thầy và trò. Hoạt động dạy học của người thầy, vì thế còn được công khai rộng hơn, đến cả đối tượng phụ huynh.
Công nghệ 4.0 được áp dụng nhưng bản thân các thành tố bị ảnh hưởng bởi công nghệ đó vẫn còn mang tâm lý, nhận thức, thói quen của thời… 1.0. Không nhiều phụ huynh am hiểu hoạt động giáo dục nên khi quan sát camera đã hiểu nhầm, gây căng thẳng cho thầy. Thực tế trong đội ngũ nhà giáo vẫn còn những giáo viên chưa vững về kiến thức, thiếu kỹ năng sư phạm nên thiếu tự tin khi hoạt động chuyên môn của bản thân được công khai. Về đội ngũ quản lý, nhiều trường chỉ lắp camera và sau đó giám sát bắt lỗi chứ chưa làm tốt công tác hỗ trợ chuyên môn, kỹ năng cho người thầy, chưa làm tốt khâu bảo mật hình ảnh. Chính vì thế, với số đông giáo viên, sự xuất hiện của camera đồng nghĩa với thêm áp lực, căng thẳng.
Bản thân camera không có lỗi. Camera giúp phụ huynh yên tâm hơn khi biết hoạt động của con ở trường, giúp giáo viên và học sinh tự điều chỉnh hành vi cho đúng chuẩn mực, giúp nhà trường xử lý kịp thời, chính xác các vi phạm và là nguồn chứng cứ quan trọng để cung cấp cho các cơ quan chức năng khi cần thiết.
Để camera không làm mất niềm tin của phụ huynh vào thầy cô, mà ngược lại, giúp củng cố thêm niềm tin, trước hết bản thân người thầy giáo, cô giáo phải luôn trui rèn bản thân để chuẩn mực, vững vàng chuyên môn, kỹ năng. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải… học làm “phụ huynh 4.0” để phối hợp với nhà trường giáo dục con em một cách hiệu quả nhất. Camera không phải thuốc thần để nâng cao hiệu quả giáo dục, mà nó chỉ là phương tiện hỗ trợ, quan trọng vẫn là công tác xây dựng chuẩn mực học đường.