Cảm xúc theo con vào lớp

GD&TĐ - Năm học mới đã chính thức bắt đầu. Đưa con đi khai giảng, mỗi phụ huynh đều mang tâm trạng bồi hồi, được sống lại một phần ký ức thời đi học của mình… Nhưng trong mỗi người lại mang những niềm vui, nỗi buồn và sự trăn trở riêng...  

Chỉnh lại trang phục cho con trước giờ khai giảng
Chỉnh lại trang phục cho con trước giờ khai giảng

Vui - buồn trộn lẫn ưu tư

Không gì có thể diễn đạt hết niềm vui, mong chờ ngày khai giảng của các ông bố, bà mẹ khi có con vào lớp 1. Chuẩn bị mua sắm đầy đủ cho con từ tháng 7 nhưng sáng nay lúc sửa sang đồng phục cho con thật ngay ngắn, gọn gàng trước khi đưa con đến trường, chị Trịnh Thúy Quỳnh (khu Trung Liệt - Thái Hà - quận Đống Đa - Hà Nội) cứ bồi hồi, buồn vui lẫn lộn.

Chị Quỳnh chia sẻ: Cùng các mẹ đưa con vào học lớp 1 - Trường Tiểu học Thái Thịnh mà mình khó lý giải được cảm xúc vì chẳng có ai suýt soát 50 tuổi mà con mới vào lớp 1 như mình. Con gái lớn đã học đại học năm thứ 3 rồi mà cu em vẫn lít nhít, cũng rất nhiều nỗi niềm. Mừng vì con đã cứng cáp dần nhưng vợ chồng mình vẫn lo cả chặng đường học hành của con sắp tới. Chẳng biết con hòa nhập và học hành có tốt không? Hôm trước nhìn hai mẹ con bạn cùng lớp giằng co, khóc lóc ầm ĩ không chịu rời tay mẹ vào lớp mà cám cảnh lắm…

Anh Long - chồng chị Quỳnh vui vẻ nói: May là cả tuần nay cu cậu tỏ ra hào hứng với việc đi học và sớm nay mẹ gọi hai câu đã bật dậy ngay. Nhìn con khoác cặp sách thấy nó chững chạc hẳn lên, bố mẹ cũng lây con sự phấn khởi...

Có con trai lớn vào lớp 12 và con gái học lớp 8 gia đình chị Ngọc Minh (ngõ 44 - phố Hào Nam - phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa - Hà Nội) đón ngày khai giảng nhẹ nhàng hơn. Chị cho biết: Cháu lớn học Trường Chu Văn An đã tự đạp xe đi học được nên bố mẹ không phải đưa đón đi về nhưng để con tham gia giao thông tôi cũng không thể yên tâm.

Tâm trạng chị Minh những ngày đầu năm học không bồn chồn, hồi hộp nữa vì đã cùng các con trải qua nhiều mùa khai giảng. Nhưng bước vào năm học mới chị cũng như nhiều phụ huynh khác đang trĩu nặng nỗi lo.

“Lo việc học hành chính khóa của con thì ít mà lo chuyện con học thêm thì nhiều. Hè vừa qua, các cháu học thêm liên miên. Riêng tiền học thêm các môn của hai đứa đã tốn hơn chục triệu đồng. Khuyên con tạm dừng học ở lớp cô này, thầy kia mà cháu không chịu, nó cứ khăng khăng nếu không học thì không thể theo kịp bạn bè, không thể thi đỗ vào trường đại học mà con muốn. Mẹ là giáo viên mà không tự kèm được con mình, đành phải chạy theo cái guồng quay vô cùng mệt mỏi và căng thẳng. Việc học hành của con bây giờ sao gian nan quá, chỉ nghĩ thôi đã thấy chóng mặt!” - chị Minh bộc bạch.

Vì con là hạnh phúc

Bị dị tật từ nhỏ nên chị Nguyễn Thu Huyền (khu tập thể Nam Đồng - Đống Đa – Hà Nội) không dám mơ có một tổ ấm gia đình đúng nghĩa như nhiều phụ nữ khác. Năm 32 tuổi, chị quyết định làm mẹ đơn thân. Nuôi con trong hoàn cảnh éo le, chị vật vã, tủi cực hơn rất nhiều người mẹ khác. Sợ con mặc cảm nên chị cố gắng nỗ lực chăm lo mọi bề cho con đỡ thiệt thòi.

Quyết định cho con học tại Trường Newton Grammar ở phố Hoàng Quốc Việt trong khi nhà ở phố Hồ Đắc Di là một nỗ lực vượt bậc của bà mẹ khuyết tật đơn thân này. Công việc trông xe máy ở khu tập thể và nhận giữ xe máy qua đêm trong căn nhà nhỏ của hai mẹ con cũng vừa đủ để chị dồn hết cho con trai đi học.

Mỗi lần chuyển khoản nộp học phí cho con là mấy chục triệu đồng nhưng chị Huyền vẫn quyết định đầu tư cho con đến nơi đến chốn. Chị tin rằng, môi trường con học sẽ đem lại cho con sự tự tin và các điều kiện phát triển tốt. Con học thử nửa năm chương trình tiền tiểu học ở đây và rất vui thích, háo hức đi học mỗi ngày khiến mình thêm quyết tâm. Mình sẽ cố gắng hết sức để con được bằng bạn bè. Con là động lực buộc mình phải luôn cố gắng phấn đấu để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Từ khi đi học được các cô giáo dạy cách đứng nghiêm chào cờ, cậu bé Tiến Mạnh càng tỏ ra khó hiểu về dáng đi của mẹ. Con gắt gỏng nhiều lần: “Tại sao mẹ không đứng thẳng người lên như con và như mọi người, sao mẹ cứ bước cà nhắc nhìn xấu thế?”. Cậu bé 6 tuổi ra sức dạy mẹ cách đứng thẳng và bước đều cả hai chân. Chiều con, chị Huyền cố tập đứng thẳng cho con hài lòng, nhưng chỉ được vài phút người chị lại đổ lệch xuống. Ôm con vào lòng, nước mắt cứ ròng ròng chảy ra, chị cố gắng giải thích để con hiểu và thông cảm với mẹ…

Hiểu nỗi buồn và sự thiệt thòi của mẹ, bé Tiến Mạnh từ hôm ấy không cau có nữa. Lần nào đến cổng trường con đều giữ mẹ lại và dặn: Mẹ đứng ở đây thôi. Mẹ đừng leo cầu thang lên tầng 3 nữa. Con tự lên lớp được. Đến chiều mẹ cũng không được leo cầu thang lên nhé. Mẹ gọi điện thoại xin phép cô rồi con sẽ tự đi xuống…

Kể về cái sự khôn sớm và biết tự lập của con, chị Huyền ngậm ngùi nhưng gương mặt ánh lên niềm vui và tự hào. “Nó nói vậy để mẹ đỡ phải leo trèo vì cũng đã biết thương mẹ. Nhưng mình biết nó cũng mặc cảm với bạn bè đấy. Nó không muốn các bạn nhìn thấy mẹ nó bị tập tễnh, không váy áo ăn diện đẹp tươi như mẹ các bạn khác. Ngày khai giảng của con mình bắt taxi đưa con đến trường và đứng ở một góc khuất nhìn con cười đùa cùng các bạn. Vì con, mình sẽ làm được nhiều điều”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.