Các nhà nghiên cứu não và âm nhạc đến từ Đại học Berlin (Đức) đã tiến hành khảo sát 722 người trên khắp thế giới để tìm hiểu về tần suất nghe nhạc buồn cũng như tâm trạng của họ vào thời điểm đó.
Họ phát hiện, hầu hết mọi người đều trải nghiệm hơn 3 cảm xúc khi nghe các giai điệu u sầu. Các bài hát buồn cũng khơi dậy phản ứng phức tạp hơn các bài hát nhạc pop vui vẻ.
"Đối với nhiều cá nhân, nghe nhạc buồn thực sự dẫn tới các ảnh hưởng có lợi cho cảm xúc. Nỗi buồn do âm nhạc khơi gợi có thể không chỉ được coi là phần thưởng thẩm mỹ, trìu tượng, mà còn góp phần tạo nên sự hạnh phúc bằng cách tới sự an ủi cũng như điều phối các cảm xúc và tâm trạng tiêu cực", trích báo cáo nghiên cứu trên tạp chí Plos One.
Các tác giả nghiên cứu cho biết, nhạc buồn khuấy đảo một hỗn hợp cảm xúc phức tạp, có phần tích cực, kể cả nỗi nhớ nhà, sự thanh thản, xúc động và kinh ngạc.
Đáng ngạc nhiên là, sự nhớ nhà, thay vì nỗi buồn, là cảm xúc khơi dậy thường xuyên nhất ở những người nghe các giai điệu sầu thảm. Trong đó, sự nhớ nhà là cảm xúc phổ biến nhất của người nghe "nhạc bi" ở châu Âu và Mỹ, trong khi người nghe nhạc châu Á đa phần thông báo cảm xúc yên bình, thanh thản.
Các chuyên gia cũng khám phá ra rằng, đa phần mọi người chọn nghe các bài hát buồn khi họ cảm thấy cô đơn hoặc u sầu. "Đối với hầu hết mọi người, việc lắng nghe nhạc buồn trong đời sống hàng ngày liên quan đến khả năng điều phối các cảm xúc và tâm trạng tiêu cực, cũng như mang tới sự an ủi cho họ", nhóm nghiên cứu giải thích.
Nhóm nghiên cứu tin rằng, ngoài tác dụng cải thiện tâm trạng và cảm xúc, nhạc buồn còn có thể kích thích mọi người bày tỏ cảm xúc của họ, giúp họ tìm được chỗ dựa vào thời điểm khó khăn.
Những người tình nguyện tham gia nghiên cứu còn tiết lộ, hầu hết các bản nhạc buồn họ thường nghe đều có nhịp chậm. Trong số các bản nhạc buồn được yêu thích nhất có bản sonata Ánh trăng của Beethoven, Moon Reflected in the Second Spring của Ah Bing và Adagio for Strings của Samuel Barber.