Ngày nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch vụ mua bán hàng hóa và giao hàng trực tuyến. Người mua và người bán đều sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh và trả cước phí vận chuyển. Đội ngũ giao hàng online sử dụng phương tiện mô tô, xe máy là chủ yếu và dùng điện thoại để liên lạc, định vị tìm kiếm địa chỉ của khách hàng, do đó, sẽ thiếu chú ý quan sát, làm chủ tốc độ…khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều người đang lái xe vẫn vô tư lướt wed, truy cập, nhắn tin qua facebook, zalo hoặc tìm kiếm các thông tin trên mạng,…sẽ giảm đi sự tập trung, xử lý tình huống không tốt có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông rất cao.
Về nguyên tắc khi đang tham giao thông, nếu có nhu cầu sử dụng điện thoại thì phải tấp vào lề đường, dừng phương tiện thì mới đảm bảo an toàn giao thông nhưng ít khi lái xe chọn cách an toàn này, đặc biệt là các tài xế xe ôm công nghệ.
Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây mất an toàn giao thông, có thể gây ra tai nạn cho bản thân mình và người khác. Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển xe máy mà sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) sẽ bị phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng. Người điều khiển ô tô có hành vi tương tự sẽ bị phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Nếu gây tai nạn sẽ bị tước giấy phép lái xe từ hai tháng đến bốn tháng.
Quy định như trên cơ bản là nghiêm khắc nhưng ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa cao, hành vi vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, bất chấp quy định của pháp luật. Lực cảnh sát giao thông cũng rất khó khăn trong việc xử phạt đối với hành vi này, bởi hành vi diễn ra nhanh chóng, khó thu thập chứng cứ, người vi phạm thường chối cãi, bắt cảnh sát giao thông phải chứng minh lỗi của mình,…
Để đảm bảo an toàn giao thông thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cần phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe.
Để nâng cao ý thức của người dân cần phải sửa đổi quy định xử phạt hành vi này theo hướng nâng cao mức xử phạt, tạm giữ hoặc tịch thu điện thoại; tăng cường phạt nguội thông qua camera giám sát hoặc sử dụng hình ảnh vi phạm do người dân cung cấp để xử phạt,.... Có như vậy, mới góp phần đảm bảo an toàn giao thông hiện nay.