Đây là nhận định của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tại Hội thảo phổ biến Nghị định 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quảng cáo và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Nghị định này có một quy định đột phá nhằm khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ, đó là cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.
Các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi gồm 3 loại:
Thứ nhất là sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula);
Thứ hai là sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật để sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi (follow-up formula);
Thứ ba là sản phẩm dinh dưỡng công thức khác có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật được trình bày hoặc giới thiệu là phù hợp dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhưng không bao gồm thức ăn bổ sung trong cơ cấu dinh dưỡng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
Như vậy, 3 loại sản phẩm trên sẽ bị cấm quảng cáo từ ngày 1/3/2015.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định nghiêm cấm quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cấm tiếp thị, bán hàng giảm giá, biểu mẫu sản phẩm… Hiện việc cấm này chỉ áp dụng trong các cơ sở y tế, sản khoa, nhi khoa, phòng khám… nhưng khi Nghị định có hiệu lực, việc cấm tiếp thị, bán hàng giảm giá, biếu mẫu sản phẩm sẽ áp dụng trong toàn xã hội nên sẽ hạn chế tối đa hành động tiếp thị thông qua quảng cáo mẫu, hạn chế việc tiếp cận với các bà mẹ.
Đánh giá về tác động của Nghị định này đối với quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng, người tiêu dùng sẽ có lợi đầu tiên, đó là bảo vệ sức khỏe trẻ em, quyền của trẻ em được bú mẹ… Về phía doanh nghiệp, họ vẫn được quyền tự do kinh doanh, tự do bán các sản phẩm này.
Theo ông Mohamed Cisse, đại diện tổ chức Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, nuôi con bằng sữa mẹ có thể giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi. Việt Nam đã thực hiện bước tiến quan trọng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ thông qua việc ra đời Nghị định 100 của Chính phủ. Nghị định không cấm bán các sản phẩm trên nhưng cấm các hình thức quảng cáo cạnh tranh với sữa mẹ.
Trao đổi với phóng viên về cơ chế kiểm tra, giám sát các hoạt động nhằm tư vấn cho các bà mẹ dùng các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, ông Nguyễn Huy Quang cho biết, hành vi này chủ yếu xảy ra ở một bộ phận điều dưỡng viên vì họ trực tiếp chăm sóc các bà mẹ nên sẽ lợi dụng để tư vấn.
“Khi xảy ra sự việc, trách nhiệm đầu tiên sẽ là Giám đốc bệnh viện, rồi đến những người vi phạm”, ông Quang nhấn mạnh.
Hiện nay, trong các hướng dẫn của Bộ Y tế như: Tài liệu nuôi con, phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, làm mẹ an toàn… các hướng dẫn đều được phổ biến tới các cơ sở y tế và các nhân viên y tế trên cả nước để thực hiện. Bên cạnh đó, trong các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến y tế, quảng cáo, thương mại cũng có quy địnhh về vấn đề này.
Ngoài ra, nhiều bệnh viện hiện nay đã tự chủ về mặt tài chính, về biên chế… nên có phân loại, bình xét lao động khiến nhiều người lo lắng rằng nếu vi phạm sẽ bị cắt thưởng nên hạn chế những hành vi này.