Bé gái 7 tuổi địu em đến lớp, thay cha mẹ chăm 2 em thơ
Trong ký ức của Hoàng Thị Mũ vẫn không thể nào quên được trận lũ kinh hoàng năm 2010 bất ngờ đổ ập đến huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Trận lũ đó đã cuốn trôi mẹ và em trai của Mũ. Năm xảy ra trận lũ định mệnh đó, Mũ mới chỉ có 7 tuổi. Mũ đã thay mẹ để chăm sóc em 3 tuổi và em út 6 tháng tuổi.
Hoàng Thị Mũ khóc nấc lên khi nhớ lại kí ức đau buồn ấy trong tác phẩm “Không gục ngã” - VOV4 Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện (tác phẩm đoạt giải Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2022). Mũ kể rằng: “Lúc về cháu đã bảo là trận mưa rất to. Bảo mẹ là mẹ ơi mưa to thế mai hãy về. Mẹ không nghe cháu. Mẹ chỉ nói một câu “con ngồi đây cầm thật chắc vào cọc sắt”. Rồi mẹ kéo bè sang, nước bất ngờ đổ về cuốn trôi mẹ đi luôn.
Lúc đó, cháu cũng không biết làm gì cả, cháu định thả một tay ra bắt lấy mẹ nhưng mà không nắm được. Thế là cháu chỉ biết ngồi nhìn mẹ trôi đi thôi. Lúc mẹ trôi đi mẹ không kêu một tiếng nào, vẫn chỉ chiếu đèn pin về phía cháu thôi. Mẹ cứ chiếu đến khi mẹ không chiếu được nữa thì thôi. Cháu chỉ biết gào khóc ở đấy, chẳng biết làm gì cả, chỉ biết cầm thật chặt vào cọc sắt đấy.”
Mũ chăm sóc các em sau khi mẹ mất năm 2011. Ảnh: Xuân Trường. |
Mẹ Mũ bị cuốn trôi, bố em ngày đêm chìm đắm trong men rượu. Bố Mũ gần như mất hết sinh khí, bỏ bẵng 3 đứa con thơ còn lại. 3 đứa trẻ chìm nổi trong nỗi đau mồ côi mẹ. Thế là Hoàng Thị Mũ khi ấy vừa làm bố, là mẹ, là chị của các em.
Mũ kể, khó khăn sau khi mẹ mất, chính là em út còn quá nhỏ. Mũ phải tự làm việc nhà, từ việc lấy củi đến giặt giũ quần áo, nấu cơm chắt nước gạo cho em út ăn. Và một khó khăn nữa đó chính là Mũ không thể đến trường tiếp tục việc học, nếu Mũ đi học sẽ không có ai chăm sóc các em, nên lúc đó Mũ đã có ý định bỏ học rồi.
"Trong khoảng thời gian khó khăn đó điều khiến em nhớ mãi chính là đêm khuya về em út khóc, em đói đòi sữa. Lúc đó em thực sự không biết phải lấy sữa ở đâu ra cho em, thực sự không biết phải làm như thế nào. Khoảng thời gian đó thực sự là vô cùng khó khăn đối với em, em chỉ biết dỗ em một cách bất lực mà không thể làm được gì. Thật may sau đó có các cô giáo giúp đỡ, và sau đó em cũng lớn dần lớn dần. Em rất biết ơn các cô giáo và các nhà hảo tâm" - Hoàng Thị Mũ nhớ lại.
Vượt lên nhọc nhằn và biến cố để tới lớp
Thời gian đó, Hoàng Thị Mũ không đến lớp, các cô giáo của em đã lên tận nhà để vận động, hi vọng em có thể tới trường.
Cô Lục Thị Toàn, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A của em và các bạn học đến động viên bố cho Mũ tiếp tục đi học. Nhưng bố em khi ấy đã từ chối, dù cô giáo chủ nhiệm ra sức thuyết phục.
Cô Toàn đã nói Mũ hãy đưa các em tới lớp học cùng mình. Rồi Mũ đã vượt qua khó khăn và quyết định dắt em tới trường cùng.
Đường đến trường dài hơn 2km với 5 con dốc. Ảnh: Xuân Trường. |
Vừa ngồi trong lớp học bài, Mũ vừa phải bế em. Ảnh: Trọng Trinh, Tuấn Hợp. |
“Khi thấy Mũ đi học xuất hiện trước cổng trường, trên lưng địu em, tay dắt một em nhỏ thì tất cả các cô giáo đều lặng đi” - Cô giáo Mỹ chia sẻ trong tác phẩm “Không gục ngã”.
Từ đó, các cô giáo đã cùng nhau nghĩ cách làm thế nào để chăm em giúp Mũ nuôi được hai em nhỏ, và giúp Mũ đưa cả 2 em đi học cùng. Trong các tiết học, để Mũ có thể viết bài được, các cô giáo trống tiết đã bế em cho Mũ để Mũ yên tâm học bài. Cùng với đó, tất cả các cô giáo đều đã gom sữa từ nhà mình đến để cho em bé của Mũ và cả bột ăn liền nữa. Vào mỗi buổi sáng sớm, cô giáo chủ nhiệm là cô Toàn đến sớm để quấy, trộn bột ăn liền bón cho em của Mũ. Các bạn trong lớp cũng giúp Mũ dỗ em.
“Để thực hiện được ước mơ đi học của mình, em đã luôn cố gắng học tập. Ở trên lớp thì em nghiêm túc nghe giảng, học bài và khi về nhà ngoài thời gian chăm sóc các em, em tự nghiên cứu và tự học thêm nữa. Trong khoảng thời gian em học cấp một, em luôn được các cô tận tụy và giúp đỡ rất nhiều. Khi các em của em lớn hơn, em có nhiều thời gian hơn để tập trung vào quá trình học tập của mình, em luôn cố gắng cải thiện kết quả học tập của mình, mỗi ngày tiến bộ hơn một chút. Em tự lập cho mình những kế hoạch tự học và tự ôn tập để kết quả các môn học của em đạt điểm cao nhất” – Hoàng Thị Mũ tâm sự.
Hình ảnh ba chị em Hoàng Thị Mũ. Ảnh do Mũ cung cấp. |
Hơn 10 năm qua, đồng hành cùng với 3 chị em Mũ là rất nhiều các cô giáo vùng cao. Trong đó, cô giáo Nông Thị Lơi, vừa là cô giáo của em và cũng là người bảo hộ cho 3 chị em Mũ. Chính cô Lơi đã nắm tay Mũ dắt em đi suốt hành trình từ bậc tiểu học cho đến khi Mũ trở thành du học sinh và hành trình đó sẽ còn mãi về sau....
Trả lời báo chí, cô giáo Nông Thị Lới nhớ lại, ngay sau khi Mũ quay lại trường học, các cô giáo chẳng ai bảo ai, mỗi sáng đều đến sớm hơn một chút để giúp Mũ trông em. Trong buổi họp hội đồng nhà trường, cô Lới cũng đề xuất thầy cô giáo trong trường mỗi người góp ít nhất 10 nghìn đồng trong tháng mua mì tôm lo bữa sáng cho ba chị em Mũ. Đương nhiên, tất cả hưởng ứng nhiệt tình.
4 năm sau khi mất mẹ, ba chị em Mũ mất nốt cả bố. Năm 2014, bố Mũ cũng bỏ các con mà đi sau khi lâm bệnh nặng. Ba chị em Mũ sau đó được gửi về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng để được chăm sóc tốt hơn.
Quả ngọt cho ý chí mãnh liệt
Mũ năm nay 20 tuổi, đã xuất sắc giành được học bổng toàn phần ngành Quản lý văn hóa tại Học viện nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc. Hai em của Mũ cũng đã lớn và được học hành đầy đủ. Bên cạnh ý chí mãnh liệt của Mũ, chính tình cảm của các cô giáo, cán bộ Trung tâm bảo trợ đã giúp ba đứa trẻ vượt qua nghịch cảnh để vươn lên.
“Bây giờ em đang học chuyên ngành kiến trúc cảnh quan tại Học viện nghệ thuật Quảng Tây, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với em, nhưng em luôn tự nhủ rằng mình phải cố gắng học, phải làm gương cho các em, và đây cũng sẽ là cơ hội để em thực hiện được ước mơ của em trong tương lai” – Mũ chia sẻ.
Nhìn Hoàng Thị Mũ hôm nay, ít ai có thể tưởng tượng được những khó khăn mà em đã trải qua khi còn là một cô bé 7 tuổi. Ảnh do Mũ cung cấp. |
Mũ cho biết: Những lúc gặp khó khăn, em thường tự nhủ mình phải cố gắng, cố gắng vì tương lai sau này của mình, cố gắng để sau này có thể cho các em được học hành, cố gắng để không phụ kì vọng của mọi người đối với em. Và em đều vượt qua mọi khó khăn với sự kiên trì, với những lời tự nhủ trong thâm tâm đó. Em luôn tự nhắn nhủ bản thân mình phải luôn cố gắng trong việc học.
Hoàng Thị Mũ mong muốn, sau khi tốt nghiệp hi vọng có thể kiếm được một công việc ổn định để có thể chăm sóc được cho các em. “Sau khi em học xong, có thể tìm được một công việc ổn định như phiên dịch, liên quan tới tiếng Trung để có thể chăm sóc và nuôi các em ăn học và để cuộc sống của ba chị em bớt khó khăn hơn. Em hi vọng hai em đều có thể trở thành người có ích cho xã hội, trở thành một công dân tốt” – Mũ nói.
“Điều em muốn gửi gắm tới tới mọi người là hãy mạnh mẽ và kiên cường vượt qua khó khăn, vượt qua số phận của mình. Chỉ cần chúng ta luôn nỗ lực, luôn cố gắng thì dù muộn hay dù sớm điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta” - Mũ nhắn nhủ.