'Cẩm nang' giáo dục về nước sạch, vệ sinh môi trường cho học sinh THCS

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu truyền thông, giáo dục về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường dành cho học sinh THCS.

'Cẩm nang' giáo dục về nước sạch, vệ sinh môi trường cho học sinh THCS

Được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ bởi Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam, tài liệu này được sử dụng làm tài liệu truyền thông cho học sinh, hoặc lồng ghép trong các hoạt động giảng dạy, hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh.

Tài liệu truyền thông, giáo dục về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường dành cho học sinh THCS cung cấp kiến thức cho học sinh về vai trò và tầm quan trọng của nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường; giới thiệu và củng cố cho học sinh một số kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

Tài liệu cũng nhằm mục đích hình thành thái độ tích cực của học sinh đối với việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước, giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường; cung cấp thông tin cơ bản để giáo viên, cha mẹ học sinh tham khảo phục vụ cho mục đích chuyên môn, và trao đổi với học sinh về nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

Tài liệu gồm 5 phần. Phần 1 “Nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sức khỏe” gồm 4 bài, giới thiệu về: Các khái niệm và vai trò của nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường đối với sức khỏe; các ảnh hưởng của thiếu nước sạch và thói quen vệ sinh không đúng đối với sức khỏe; một số bệnh liên quan đến nước, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường (bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh giun sán, bệnh lây truyền qua muỗi).

Phần 2 “Nước sạch tại trường học” gồm 2 bài giới thiệu về: Nhu cầu nước của cơ thể và lợi ích của việc uống đủ nước; sử dụng nước tại trường học.

Phần 3 “Một số thực hành vệ sinh cá nhân” gồm 2 bài cung cấp cho học sinh kiến thức và kỹ năng về: Rửa tay với nước sạch và xà phòng; vệ sinh kinh nguyệt.

Phần 4 “Một số thực hành vệ sinh môi trường” gồm 3 bài cung cấp cho học sinh kiến thức và kỹ năng về: Sử dụng nhà vệ sinh đúng cách; rác và phân loại rác; rác thải nhựa.

Phần 5 “Dự án của em” gợi ý một số dự án để các em học sinh có thể tự thực hiện hoặc thực hiện theo nhóm. Qua đó, giúp học sinh vận dụng các kiến thức và kỹ năng đã được học vào thực tế tại gia đình và nhà trường.

Tài liệu có thể được sử dụng theo các hình thức sau:

Đối với học sinh: Tự đọc tài liệu trong giờ tự học hoặc ngoài giờ học; ghi nhớ và thực hiện các kiến thức và kỹ năng được trình bày trong tài liệu; tự làm các dự án cá nhân hoặc theo nhóm. Sau đó, học sinh đưa kiến nghị cho lớp và nhà trường để cải thiện các thực hành sử dụng nước và vệ sinh tại trường học, gia đình và cộng đồng.

Đối với giáo viên: Lựa chọn bài phù hợp với nhu cầu thực tiễn của học sinh và địa phương để tổ chức hoạt động dạy học, hoặc lồng ghép các nội dung của bài trong các hoạt động dạy học, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp có liên quan; tổ chức cho học sinh thực hiện các dự án về nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường (theo gợi ý trong tài liệu) trong các hoạt động ngoại khóa.

Đối với cha mẹ học sinh: Sử dụng tài liệu để cùng trao đổi và hướng dẫn con thực hành vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường tại gia đình và cộng đồng.

Đối với cán bộ quản lý giáo dục: Căn cứ vào các nội dung của tài liệu này để tổ chức, bố trí các hoạt động giảng dạy, hoạt động ngoại khóa phù hợp cho học sinh và giáo viên trong trường; thực hiện công tác quản lý, sửa chữa, đầu tư các công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân đáp ứng nhu cầu của học sinh và giáo viên và công tác phòng chống dịch, bệnh trong trường học.

Tài liệu được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT. Các sở GD&ĐT, các trường THCS được khai thác, sử dụng làm tài liệu truyền thông để tổ chức các hoạt động giảng dạy, hoạt động ngoại khóa phù hợp cho học sinh và giáo viên trong trường học.

Xem toàn văn tài liệu TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ