Cam kết mạnh mẽ phòng, chống tác hại của thuốc lá

GD&TĐ - Việc Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và cho phép thành lập Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nói riêng và công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Cam kết mạnh mẽ phòng, chống tác hại của thuốc lá

Việt Nam thuộc nhóm có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới

ThS.BS Phan Thị Hải - Phó Chánh Văn phòng thường trực Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá quốc gia, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - cho biết: Tại Việt Nam, theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, Việt Nam nằm ở nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam.

Theo điều tra tại Bệnh viện K năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Thống kê tại bệnh viện cho thấy các bệnh không lây nhiễm mà sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân chính chiếm khoảng 70% số trường hợp nằm viện.

“Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030” - ThS.BS Phan Thị Hải cảnh báo.

Đáng lo ngại là, người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc bao gồm con cái, vợ (chồng) của người hút thuốc, sống trong cùng nhà với người hút thuốc hoặc người làm việc trong môi trường có khói thuốc.

Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá năm 2010: Việt Nam có khoảng 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà, 5 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà.

Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên, từ 13 - 15 tuổi năm 2014 cho thấy: 47,7% học sinh phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà; 66,5% học sinh phơi nhiễm với khói thuốc tại địa điểm công cộng trong nhà.

“Như vậy chúng ta có 15,3 triệu người hút thuốc nhưng có đến 75 triệu người bị ảnh hưởng bởi khói thuốc thụ động. Nếu mỗi người không hút thuốc mạnh dạn nhắc nhở - chỉ một câu - khi gặp người hút thuốc không đúng nơi quy định thì tôi tin tưởng rằng sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại Việt Nam” - ThS.BS Phan Thị Hải bày tỏ.

Chuyển biến trong nhận thức từ lãnh đạo đến người dân

ThS.BS Phan Thị Hải đưa ra con số: Trong năm 2015, 58/63 tỉnh thành phố và 13 bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội thành lập Ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá với các chỉ số, hoạt động cụ thể, rõ ràng.

Các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá đã được các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đồng bộ và đẩy mạnh trong toàn quốc, bước đầu đã nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, người dân trong cộng đồng về pháp luật về PCTH của thuốc lá.

Mục tiêu của năm 2015 do Quỹ hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức và 63 tỉnh, thành phố đó là thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại các khu vực theo quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá như: Nơi làm việc, một số nơi công cộng tập trung đông người... và tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định này.

Nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được thực hiện như đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của cán bộ; tổ chức các hội nghị phổ biến Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; các cơ quan truyền thông đã tích cực và chủ động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá.

“Mô hình thành phố du lịch không khói thuốc đang được nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng: Như Huế, Nha Trang, Hội An, Hải Phòng, Hạ Long, Hội An... Hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá cũng được tăng cường trong công nhân viên chức lao động thông qua sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ và môi trường của công nhân viên chức lao động được nâng cao. Tại nhiều cơ quan, việc không hút thuốc nơi làm việc được coi là văn minh công sở” - ThS.BS Phan Thị Hải cho biết.

Chi 0,1 USD/người/năm phòng chống tác hại của thuốc lá

ThS.BS Phan Thị Hải cho biết: Theo báo cáo của Quỹ Vì sức khỏe ở Mỹ năm 2008, Quỹ đầu tư 10 USD/người/ năm cho các hoạt động để giảm hút thuốc lá, tăng cường hoạt động thể chất và cải thiện dinh dưỡng đã tiết kiệm được cho đất nước này hơn 16 tỉ USD/năm trong vòng 5 năm.

Ngay Thái Lan, một nước trong khu vực ASEAN một năm Quỹ Nâng cao sức khỏe của họ cũng có nguồn quỹ khoảng 120 triệu USD/năm, trung bình chi gần 2 USD/người/năm cho việc nâng cao sức khỏe và phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Còn Việt Nam chúng ta, rất mừng là Quốc hội đã cho phép thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá và bước đầu chúng ta chia bình quân 0,1 USD/người/năm cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Con số này tuy còn rất rất nhỏ so với các nước, tuy nhiên so với trước đây cũng đã là rất lớn và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, nâng cao sức khỏe người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ