Cả chặng đường, chỉ có khoảng 3 km đầu đường quanh co đến chân núi Pyầu là còn có thể chạy xe máy bình thường.
Gian nan đường lên bản
Trời còn mờ sáng, chúng tôi đã bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Pyầu. Cả đoàn bắt đầu men theo những con đường rừng trơn như đổ mỡ, bên cạnh là vực thẳm sâu hun hút. Chiếc xe máy ì ạch lên hết ga, hết số leo những con dốc dựng đứng. Thầy Lê Văn Hiệp dẫn đầu đoàn, thỉnh thoảng ngoảnh lại phía sau nhắc nhở: “Ai có bị ngã, nhớ kêu to một tiếng để mọi người còn biết nhé”.
Đi được 2/3 chặng đường, ngước nhìn lên vẫn thấy đường trên đầu, nhìn sang bên vực sâu hun hút. Lúc này, cả đoàn vì mệt nên đã quên luôn cái lạnh ở vùng cao lúc sáng sớm. Để lấy lại sức cũng như để đảm bảo an toàn cho chúng tôi, thầy Hiệp cho cả đoàn dừng lại cạnh khe suối để nghỉ sức. “Con đường này bất kể mùa nắng hay mưa đều sình lầy, trơn trượt do mạch nước ngầm từ trong núi chảy ra. Để đảm bảo an toàn là đi xuống dốc không được đạp phanh gấp vì sẽ bị trượt; mà gài số để xe máy từ từ chạy. Phải bình tĩnh, không nhìn xuống vách núi, không ngoảnh lại phía sau”, thầy Hiệp chia sẻ kinh nghiệm đi xe cho chúng tôi.
Sau 2 tiếng rưỡi lội bùn, leo dốc, “vồ ếch” liên tục, điểm trường hiện ra thấp thoáng lưng chừng núi. Ngôi làng nhỏ của người đồng bào Ba Na cũng xuất hiện phía sau những ngọn núi được phủ một màu xanh của cây rừng. Một khung cảnh yên bình và đẹp đến mê hồn hiện ra trước mắt. Xung quanh được núi bao bọc, không gian yên bình của ngôi làng Pyầu trên đỉnh núi như một bức tranh thủy mặc được khắc họa rõ nét đến từng chi tiết.
Khác với việc dạy những đứa trẻ miền xuôi, những giáo viên nơi đây ngoài giờ lên lớp vẫn phải vừa dạy vừa soạn cho mình những trang giáo án riêng. Chưa kể đến những con chữ, các giáo viên luôn đặt mục tiêu đầu tiên trong công tác giảng dạy của mình là dạy cho các em học sinh phát âm rõ, tăng cường tiếng Việt và tự tin trong giao tiếp.
Tất cả vì học sinh
Cũng vì địa hình đồi cao dốc đứng nên các giáo viên dạy ở điểm trường này phải ở lại từ thứ Hai đến thứ Sáu, cuối tuần mới được về với gia đình. Cô Thái Thị Hòa cho biết, năm nay là lần thứ 2 cô được trường phân công lên điểm trường ở làng Pyầu. Lần đầu cô Hòa cắm ở làng Pyầu là cách đây 4 năm. Hồi ấy điểm trường còn khó khăn về nước non. Giáo viên ở tại nhà dựng tạm. Nhiều lúc đi ngủ phải đeo khẩu trang vì bụi. Khổ nhất vẫn là đoạn đường rừng trơn trượt, dốc cao nguy hiểm.
“Đường sá cách trở thì chấp nhận ở lại làng. Mà mình cũng có con nhỏ. Nhiều lúc nhớ cháu da diết không ngủ được. Tuy nhiên, cứ nghĩ thương các cháu ở làng còn thiếu chữ nên anh chị em giáo viên ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, cô Hòa nói.
Trong số những giáo viên trực tiếp dạy ở làng Pyầu, thầy Nguyễn Văn Thắng, Trường Tiểu học Lơ Pang là một trong hai người có thâm niên cắm bản lâu nhất với 8 năm. Năm ngoái, chính thầy Thắng được phân công dạy ở làng Pyầu và mới được điều chuyển về trong năm nay. “Ngày mình rời làng, dân bản họ kéo đến hỏi thăm. Họ nói mình lúc nào rảnh nhớ lên thăm họ. Còn dân bản có dịp sẽ ghé thăm mình”, thầy Thắng nói.
Thầy Thắng kể, lần đầu vào làng dạy chữ, ngoài những thời gian dạy chính trên lớp và phụ đạo bắt buộc, giáo viên còn tiến hành dạy thêm, dạy kèm cho học sinh yếu. Thời gian rảnh, những người “đưa đò” xuống nhà dân cùng tâm sự, chia sẻ. “Họ hay cho gạo, củi, măng, rau rừng vì quý giáo viên đã nhiệt tình dạy chữ cho người trong làng. Dạy chữ ở làng Pyầu rất khổ, nhất là về đường sá cách trở, nhiều lúc té ngã để lại nhiều vết sẹo kỷ niệm. Tuy nhiên bù lại được dân tin yêu nên cũng tạo được động lực cho thầy cô tiếp tục công việc”, thầy Thắng tâm sự.
Điểm trường Pyầu (xã Lơ Pang) nằm cách trung tâm xã khoảng 18km, được thành lập vào khoảng 30 năm nay. Điểm trường hiện có 4 lớp học thuộc 2 bậc học là mầm non và tiểu học. Toàn điểm trường có khoảng 100 em học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Giáo viên dạy ở đây có 4 người, được điều động từ Trường Mầm non Lơ Pang và điểm chính Trường Tiểu học Lơ Pang. Nhờ sự tâm huyết của những giáo viên cắm bản nên nhiều năm nay, làng Pyầu không có học sinh nào bị thất học.
Cô Trần Thị Hoa, Hiệu phó Trường Tiểu học Lơ Pang cho biết: “Ban giám hiệu trường rất chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn mà giáo viên cắm bản ở làng Pyầu phải gặp. Vì thế, sau mỗi năm học, trường lại điều chuyển các thầy cô khác lên thay. Trường chỉ mong muốn con đường lên làng Pyầu bằng phẳng để giáo viên khỏi phải té ngã, để họ có thể tiện lợi lên xuống để thăm gia đình cũng như lên gieo chữ”.