(GD&TĐ) - “Các trường ngoài công lập chỉ mới hình thành và phát triển nhưng đã có những kết quả đáng ghi nhận. Các cơ sở giáo dục xã hội hóa giúp giảm tải cho các cơ sở công lập, và tăng sự lựa chọn cho người dân”- Công bố mới đây trong nghiên cứu do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ, ActionAid Vietnam (AAV) và các đối tác đã tiến hành, nhằm đánh giá tác động của quá trình xã hội hoá dịch vụ công đối với tiếp cận của người nghèo...
Giảm bớt gánh nặng cho ngân sách
Theo AAV, kết quả phỏng vấn và khảo sát tại các tỉnh Lai Châu, Hà Tĩnh và Đắk Lắk cho thấy chủ trương và các chính sách xã hội hóa trong giáo dục được các cấp quản lý địa phương đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ. Tuy nhiên, các địa phương có điều kiện kinh tế chậm phát triển gặp nhiều khó khăn hơn trong việc XHH giáo dục do hạn chế cả về nguồn cung (nhà đầu tư) và nhu cầu (mức độ sẵn sàng đóng góp của người dân). Với dịch vụ giáo dục, nhóm nghiên cứu của AAV cho rằng, trên phương diện quản lý nhà nước ở địa phương, việc triển khai chính sách XHH chưa gắn liền với vai trò quản lý nhà nước tương ứng như vai trò định hướng, điều tiết, và giám sát. Điều này là một trong những nguyên nhân làm cho XHH chưa được phát triển toàn diện giữa các vùng, chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ cung ứng, và thậm chí bị lạm dụng đối với một số khoản thu.
Nếu so sánh quy mô ở năm 2008 với năm 2000 số trường đại học và cao đẳng tăng gấp 2,2 lần, số sinh viên tăng 1,9 lần, và số giáo viên tăng 1,9 lần. Trong khi đó chi từ Ngân sách nhà nước cho giáo dục chỉ tăng từ 11,6% trong tổng chi ngân sách nhà nước năm 2000 lên tới 13,5% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2007. Rõ ràng là sức ép tài chính từ ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục rất lớn, và sự gia tăng chi tiêu từ ngân sách nhà nước cho giáo dục chưa đáp ứng được sự đòi hỏi của thực tế.
Đáng chú ý các trường ngoài công lập chỉ mới hình thành và phát triển nhưng đã có những kết quả đáng ghi nhận. Các cơ sở giáo dục xã hội hóa giúp giảm tải cho các cơ sở công lập, và tăng sự lựa chọn cho người dân. Đã có 20,8% số trường trung học phổ thông ngoài công lập, cung cấp dịch vụ cho 21,2% học sinh thuộc cấp học này; 30,4% số trường ngoài công lập ở cấp Trung học chuyên nghiệp được thành lập và hoạt động, cung cấp dịch vụ giáo dục cho 22,2% tổng số học sinh của cấp học. Đối với cấp Cao đẳng và Đại học, trong ba năm gần đây, số trường Cao đẳng và Đại học ngoài công lập thành lập mới nhiều hơn tổng số các trường loại này từ trước đó cộng lại (37 trường ngoài công lập thành lập mới so với 31 trường đã thành lập và hoạt động trước đó). Các trường Cao đẳng và Đại học ngoài công lập hiện chiếm khoảng 18% tổng số trường và đang cung cấp dịch vụ giáo dục cho 11,8% tổng số sinh viên.
Sau khoảng hơn 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa trong giáo dục, đã có những cấp học các cơ sở xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ giáo dục lớn hơn cơ sở công. Chẳng hạn ở cấp học Mầm non, số trường học mầm non ngoài công lập chiếm 49,3% nhưng các trường mầm non ngoài công lập đã thu hút tới 51,1% tổng số các cháu đến trường ở cấp học này. Một số cấp học có tỷ lệ cơ sở xã hội hóa còn ít như tiểu học, trung học cơ sở và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Trường tư thục thu hút con em các gia đình có thu nhập cao
Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục phổ cập, tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia; đào tạo nhân lực cho các ngành, nghề mũi nhọn, trọng điểm, khó huy động nguồn lực từ xã hội; ưu tiên đầu tư cho những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người. |
Chính sách giảm học phí cho người nghèo trên thực tế hiện chỉ áp dụng ở các trường công lập- Đây là một trong những vấn đề nhóm nghiên cứu đề cập và nhấn mạnh khi mà thực tế các cơ sở GD ngoài công lập chưa áp dụng tốt chính sách này.
Một lãnh đạo Sở GD&ĐT đánh giá: “Xã hội hóa là người dân tự nguyện đóng góp. Xã hội hóa không tạo áp lực cho người nghèo vì tại các trường dân lập, tư thục, học sinh nghèo, khó khăn vẫn được giảm 50% học phí”.
Theo chính sách hiện hành, mức miễn giảm tối đa chỉ bằng học phí của trường công lập cao nhất tại địa phương. Trong khi đó, mức học phí ở các cơ sở giáo dục tư nhân lại do chủ cơ sở tự “quyết định” và thường cao hơn rất nhiều so với mức phí ở trường công. Vì vậy, nếu người nghèo muốn vào học ở trường tư và được miễn giảm toàn bộ học phí theo mức của trường công, phần đóng góp bù thêm vẫn quá cao so với khả năng chi trả của họ.
Nhóm nghiên cứu cho rằng: Trường tư thục thu hút con em các hộ có thu nhập cao, song số trường tư thục còn ít... Ở các trường công lập, các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc được áp dụng đầy đủ nhất. Các cơ sở tư thục, dân lập (các hình thức cao của xã hội hóa giáo dục) lại không chú ý đến thực hiện các chính sách hỗ trợ (miễn, giảm học phí, miễn phí xây dựng trường, cấp sách giáo khoa, cấp kinh phí ăn ở...) cho con em các hộ nghèo có thể tiếp cận đến dịch vụ của họ. Việc hỗ trợ cho con em hộ nghèo và đồng bào chủ yếu thực hiện ở các cơ sở công lập. Nhưng như đã nêu, nếu con em các hộ nghèo không đủ tiêu chuẩn (thi không đỗ) để được nhập học ở các trường công lập, thì việc được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ sẽ không có ý nghĩa.
Cũng theo nghiên cứu của AAV, mặc dù hầu hết các trường tư thục và dân lập khi thành lập đều có xu hướng cung cấp dịch vụ chất lượng cao và phục vụ đối tượng có thu nhập cao, thực tiễn hoạt động không hoàn toàn thống nhất với mong muốn ban đầu. Ngoại trừ bậc học mầm non và tiểu học, đa số trường dân lập ở bậc học phổ thông trung học thu hút học sinh với kết quả học tập trung bình kém hơn trường công lập. Bên cạnh đó, giáo viên của các trường này cũng chủ yếu là giáo viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Vì vậy, mặc dù có sở vật chất có thể được đầu tư mới hơn, các hoạt động phục vụ có thể tốt hơn, song chất lượng dạy và học nói chung là kém hơn các trường công. Xu hướng này tồn tại ít nhất là trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm hoạt động đầu tiên của các trường này.
Như vậy tại thời điểm hiện tại, học sinh học ở các trường dân lập ở cấp từ phổ thông cơ sở trở lên phải trả mức phí cao hơn, song kết quả học tập thấp hơn ở các trường công. Điểm đáng chú ý là tỷ lệ rất đông các học sinh nghèo hiện tham gia học ở các trường dân lập.
Thu nhập trung bình của hộ gia đình không có ảnh hưởng rõ tới việc lựa chọn loại hình dịch vụ giáo dục cho các thành viên gia đình. Các hộ gia đình có xu hướng chọn trường công, nếu họ được tự do lựa chọn. Kết quả này thống nhất với kết quả khảo sát hoạt động của các cơ sở giáo dục nơi và trường công vẫn được coi là mang lại kết quả (chất lượng) học tập tốt hơn.
Sự tác động của xã hội hóa tới giáo dục tại Hà Nội có sự khác biệt nhất định so với mẫu nghiên cứu của nghiên cứu này (gồm Đắc Lắc, Hà Tĩnh và Lai Châu).
Cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục
Trong khi xã hội hóa đã làm tăng mức độ cản trở của các rào cản học phí, phụ phí, và khoảng cách ở mẫu nghiên cứu, các mức độ cản trở của các rào cản đó lại giảm xuống hoặc không thay đổi ở Hà Nội. Như vậy, theo AAV, xã hội hóa giáo dục đã tăng được khả năng tiếp cận dịch vụ của người Hà Nội dưới góc độ rào cản chi phí, nhưng chất lượng dịch vụ lại giảm đi. Mức độ cản trở của rào cản này tăng lên làm giảm khả năng tiếp cận của người dân tới dịch vụ giáo dục. So với kết quả từ mẫu nghiên cứu, xã hội hóa trong giáo dục giúp Hà Nội cải thiện được khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục của người dân dưới góc độ chi phí và khoảng cách, tuy nhiên rào cản chất lượng có mức độ cản trở tăng lên. Mức độ cản trở của rào cản này tăng lên chủ yếu là do kỳ vọng của người dân Hà Nội cao vì họ bỏ ra chi phí cao hơn, nhưng chất lượng chưa được cải thiện tương ứng. Tóm lại, xã hội hóa giáo dục đã cải thiện được khả năng tiếp cận của người dân Hà Nội dưới góc độ chi phí, nhưng lại làm tăng rào cản về chất lượng, trong khi mức độ rào cản về khoảng cách và tâm lí hầu như không được cải thiện gì.
Xã hội hóa đã không thể giúp làm giảm mức độ cản trở của các rào cản ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận của người dân và đặc biệt là người nghèo. Xã hội hóa làm cho mức độ cản trở của rào cản học phí, phụ phí, và khoảng cách tăng lên ở các địa phương, cho cả đối tượng nghèo và không nghèo, trừ nơi có mức sống cao như Hà Nội. Mức độ cản trở của các rào cản này tới khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục của người nghèo ở mức cao hơn nhiều so với mẫu chung và nhóm người không nghèo. Tuy nhiên, công bằng mà nói, xã hội hóa trong giáo dục cũng đã giúp làm giảm mức độ cản trở của rào cản chất lượng dịch vụ giáo dục và xã hội hóa cũng không làm trầm trọng hơn mức độ cản trở của rào cản mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình tới khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục. Xã hội hóa cũng nâng cao được khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục cho những người sử dụng dịch vụ này ở những nơi các mức sống cao, chẳng hạn như Hà Nội.
Có thể thấy rằng chủ trương xã hội hóa trong giáo dục đã tạo ra được sự thay đổi cơ bản trong nhận thức của xã hội về xã hội hóa trong giáo dục. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã được mở rộng về quy mô, đa dạng hóa về loại hình và các sản phẩm dịch vụ thuộc các loại hình, và cuối cùng làm tăng sự lựa chọn cho người học. Các nguồn lực xã hội đã được huy động, tăng tính trách nhiệm của cộng đồng, người dân cho việc phát triển lĩnh vực giáo dục.
Tỷ lệ học sinh nhà trẻ ngoài công lập chiếm 80%, mẫu giáo 70%, trung học phổ thông 40%, trung học chuyên nghiệp 30%, các cơ sở dạy nghề 60%, đại học, cao đẳng khoảng 40%. |
Minh Hương