“Biến hóa” trong cách dạy trẻ
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường TH Bình Trị 2 (quận Bình Tân, TPHCM) chia sẻ, hầu như năm nào lớp cô cũng có 1 đến 2 bé học hòa nhập. Mỗi em bị một tật khác nhau như có em tăng động nhẹ, có em bị tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn ngôn ngữ, chân tay bị khiếm khuyết… nên cô giáo cũng phải “biến hóa” trong cách dạy trẻ để giúp con tiến bộ. Mỗi một học sinh là một giáo án riêng, bài học riêng. Và quan trọng là, người thầy phải thực sự quan tâm, nắm bắt tâm lý để điều chỉnh phù hợp với từng em.
Dạy một lớp học bình thường đã không phải là công việc dễ dàng, dạy lớp học có những em học hòa nhập, cô giáo phải mất nhiều thời gian hơn, kiên trì hơn, nỗ lực hơn gấp bội.
Cô Thanh Huyền kể tiếp câu chuyện về một học sinh không hợp tác trong giờ học, không nói, hay chui xuống gầm bàn giáo viên ngồi, coi đó như chỗ trú ngụ an toàn của trẻ… Ban đầu, cô cũng đã rất cố gắng để trò chuyện với bé, làm nhiều cách nhưng trò vẫn không tiến bộ, điều đó khiến cô cảm thấy bế tắc. Nhưng rồi, tình yêu nghề, yêu trẻ thôi thúc cô giáo Thanh Huyền tìm hiểu trên mạng về các trường hợp tương tự để học hỏi kinh nghiệm, phương pháp giáo dục trẻ.
“May mắn tôi tìm được lớp tập huấn của BS Quyên ở Bệnh viện Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại Trung tâm nuôi dạy trẻ tàn tật quận 3 để học. Đến đó được mở mang về kiến thức, kỹ năng để giáo dục trẻ hòa nhập. Cô còn đăng ký cho cả ba mẹ của HS ấy đến để nghe bác sĩ trao đổi, giúp có thêm kiến thức về cách giáo dục trẻ để phối hợp cùng giáo viên" - cô Hiền chia sẻ.
Cần sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh
Theo các giáo viên, để giúp trẻ học hòa nhập tiến bộ, vai trò của phụ huynh là hết sức quan trọng. Bởi không phải người cha, người mẹ nào cũng chấp nhận việc con mình khác biệt với các bạn trong lớp.
Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường TH Bình Hòa (quận Bình Thạnh) chia sẻ, thầy cũng từng dạy rất nhiều trẻ hòa nhập. Có bạn nhỏ khi ba mẹ đưa vào lớp, qua 2 tuần học đầu tiên, thầy giáo đã biết bạn ấy quá khác biệt. Bé hay la hét, giờ học không ngồi yên mà đi đi lại lại phá các bạn trong lớp, đổ nước vào tập sách của bạn, vứt tập của bạn rồi cười rất hồn nhiên. Ngày hôm sau thầy hỏi thì bé lại quên việc hôm qua đã làm… Khi đó, giáo viên cần khéo léo nói với phụ huynh về vấn đề của con nhưng không phải ai cũng hiểu.
“Có người còn mắng vốn rằng, con tôi khôi ngô thế kia, sao bé bị vậy được. Nhưng qua thời gian, mình động viên họ, làm công tác tư tưởng, để họ đưa bé đi khám bác sĩ và khi đó họ mới bắt đầu hiểu vấn đề, chấp nhận con mình khác biệt và sẵn sàng hợp tác với giáo viên trong việc giáo dục trẻ” - cô Huyền kể.
Ngoài việc gắn kết với các phụ huynh, để tạo môi trường tốt nhất cho trẻ học hòa nhập, giáo viên chủ nhiệm cũng phải làm công tác tư tưởng với cả phụ huynh khác lại cũng như các em học sinh.
Còn đối với các bậc phụ huynh, không phải ai cũng có cách nhìn giống nhau. Điều này, cũng khiến các giáo viên chủ nhiệm tâm tư và cố gắng “đả thông” tư tưởng cho họ. Nhiều giáo viên cho biết, họ thường đăng các clip ngắn trên mạng xã hội, group của nhóm lớp, chia sẻ trong buổi họp phụ huynh… về những câu chuyện đầy xúc động với các em bé không may bị khiếm khuyết về cơ thể, trí tuệ nhưng đã nỗ lực vượt lên chính mình để nhận được sự thấu hiểu của các phụ huynh.