Cãi nhau về rồng

GD&TĐ - Cứ mỗi dịp Tết đến, các điểm vui chơi giải trí được dịp phô diễn cờ, hoa cùng các linh vật của năm đó.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong 12 con giáp ứng với từng năm được trưng ra tại các điểm vui chơi để chào mừng năm mới thì chỉ có con rồng là gây “ồn ào” hơn cả. Kẻ khen rồng đẹp, người chê xấu quá, thậm chí còn nói rồng chi lạ, chả giống tí nào… tràn ngập cõi mạng mấy ngày nay.

Khen chê là lẽ thường của “cõi phây”, mỗi ngày phải kiếm một chuyện gì đó để “đú trend” chứ không có chuyện gì thì nhạt… phây lắm. Nhưng chê đến độ miệt thị, mạt sát người “vẽ rồng” thì liệu có nên chăng?

Nước ta là một trong số không nhiều quốc gia ở châu Á còn ăn Tết Âm lịch. Vì vậy mới có 12 con vật để… chiêm ngưỡng rồi cãi nhau. Mỗi cái Tết thì ứng với một linh vật. Mười hai con giáp thì rồng là linh vật không có thật ở ngoài đời. Giờ hỏi ai đã thấy rồng chưa, hẳn tất cả đều lắc đầu.

Nhưng làm con rồng để trưng ra cho bàn dân thiên hạ vui Xuân đón Tết mà “không giống” là có chuyện ngay! Hỏi giống là phải như thế nào thì cũng chẳng một ai chỉ ra cho thật chuẩn xác.

Giống và không giống khi nói về con rồng là một khái niệm rất tù mù, vì vậy cãi nhau đến khuya cũng chưa ngã ngũ. Những họa sĩ - tạm gọi là như thế - vẽ hình con rồng để trưng tại các điểm vui chơi đều có lý lẽ để bảo vệ cho đứa con tinh thần của mình. Còn người “chê” thì cũng gân cổ lên để đả phá khi thấy rồng không giống như trong trí tưởng tượng của họ.

Thời phong kiến, vua được gọi là rồng. Mặt vua thì gọi là “long nhan”, ghế vua ngồi gọi là “long ỷ”, áo vua mặc thì gọi là “long bào”, giường vua nằm thì gọi là “long sàng”, thân của vua gọi là “long thể”, còn “long thai” là đứa bé mà các bà vợ vua đang mang bầu… Nghĩa là thứ gì dính dáng đến vua thì phải ghép chữ “long” tức “rồng” vào. Thế cho nó thiêng liêng!

Dưới các triều đại phong kiến trước đây, hình ảnh con rồng mỗi thời mỗi khác. Rồng thời Lý có đầu nhỏ, mình thon mềm mại, uốn lượn nhiều vòng, uyển chuyển trên bốn chân chim, mình không có vảy, đầu không có tai và sừng.

Đến đời Trần, hình tượng rồng có những thay đổi như đầu lớn hơn, râu tóc rõ hơn, lại có thêm sừng và tai nữa. Như vậy là, con rồng thời Trần không phải nó tiến hóa theo nghĩa sinh học mà là do sự tưởng tượng của con người.

Không có ở ngoài đời thực nhưng lại tồn tại trong trí tưởng tượng của nhiều người, vậy nên mới có chuyện khen - chê. Tuy nhiên, chúng ta nên xem các linh vật tượng trưng cho từng năm ấy, dù là có thật hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng thì cũng chỉ để vui Xuân đón Tết mà thôi.

Nó chẳng làm phương hại đến tình cảm hay vật chất của ai cả. Thích thì đến selfie vài tấm ảnh kỷ niệm, không thích thì ta ghé qua chỗ khác để chụp ảnh nuôi phây chứ không nên nặng nề với nhau chỉ vì con rồng nó không giống như mình nghĩ mà sao lại trưng ra cho bàn dân thêm ngứa mắt!

Ông bà ta chả nói “vui như Tết”, vậy thì hà cớ gì phải buồn chỉ vì một con linh vật không như ta tưởng tượng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.