Cải cách để tiền lương trở thành động lực phát triển bền vững

GD&TĐ - Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 khoá XII diễn ra vào đầu tuần sau tại Hà Nội sẽ thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

3 lần Trung ương thảo luận mà chưa thể thông qua Nghị quyết về tiền lương

Trước đó, từ tháng 1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công (BCĐ) do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng BCĐ để thực hiện xây dựng các đề án quan trọng trên, phục vụ chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong hơn một năm qua, BCĐ đã tổ chức nhiều cuộc họp, tập trung đi khảo sát việc thực hiện chính sách tiền lương tại nhiều cơ quan như Bộ LĐTB&XH, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương, làm việc với một số địa phương như TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh… đồng thời chỉ đạo một số bộ, ngành tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chính sách tiền lương của một số quốc gia khác trên thế giới để xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, trình Hội nghị Trung ương 7 thảo luận, quyết định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng BCĐ trong lần làm việc với Văn phòng Trung ương Đảng năm ngoái đã nhấn mạnh tới tính “cấp bách” và “độ” chín muồi của lần cải cách tiền lương này, trong bối cảnh quốc gia phải cơ cấu lại các nguồn lực tài chính công, đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính công vụ, tinh gọn bộ máy hành chính và đổi mới cơ chế hoạt động của khối sự nghiệp công lập.

Thực tế, việc cải cách chính sách tiền lương trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi Trung ương Đảng đã 3 lần thảo luận, cho ý kiến về Đề án tiền lương (Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khoá XI, Hội nghị Trung ương lần thứ 5 và lần thứ 7 khoá XI), nhưng chưa thể thống nhất, thông qua một nghị quyết về vấn đề này.

Trong lịch sử hình thành và xây dựng Nhà nước Việt Nam hiện đại, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách tiền lương, bảo đảm cuộc sống người lao động.

Việt Nam đã trải qua 3 lần cải cách chính sách tiền lương. Lần đầu tiên manh nha từ năm 1957 và triển khai vào năm 1960, sau khi hoàn thành cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đến năm 1985, thực hiện cải cách tiền lương lần thứ hai - “cải cách giá-lương-tiền”, mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Năm 1993, là lần thứ 3 thực hiện cải cách tiền lương, đặt nền móng cho sự hình thành tiền lương theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường lao động; tách chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp; tách dần chính sách tiền lương với chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.

Từ năm 2004, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chế độ tiền lương trên cơ sở mở rộng quan hệ tiền lương, thu gọn một bước hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Tính từ tháng 12/1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 14 lần, từ 120.000 đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,83 lần, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5,9 lần (từ 1/7/2018 mức lương cơ sở tiếp tục tăng thêm 90.000 đồng/tháng). Trong khi đó, lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp được điều chỉnh tăng cao hơn theo định hướng chỉ đạo của Trung ương; từ ngày 1/1/2018 ở mức 2,76-3,98 triệu đồng/tháng tùy theo địa bàn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại các cuộc họp của BCĐ, chính sách tiền lương của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là tiền lương nhìn chung còn thấp, vẫn còn bình quân, chưa linh hoạt, chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể, vị trí việc làm, hiệu quả công việc, chưa tạo động lực đủ mạnh khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy tài năng, cống hiến, tận tâm, tận lực với công việc.

Chênh lệch thu nhập giữa những người làm công, ăn lương còn khá cao; còn nhiều khoản thu nhập ngoài lương, phụ thuộc vào vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực quản lý, vùng miền. Việc quản lý tiền lương, thu nhập còn chưa thực sự công khai, minh bạch; cơ chế kiểm soát thu nhập còn kém hiệu quả.

Tình trạng sử dụng chi phí hoạt động hành chính để bổ sung thu nhập của người lao động khá phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, phát sinh những tiêu cực, lãng phí trong quản lý tài chính, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách quá lớn và ngày càng tăng, tạo sức ép lớn và khó khăn cho cải cách cơ cấu ngân sách Nhà nước. Tác động đòn bẩy của tiền lương đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và phát triển thị trường lao động còn hạn chế. Việc thể chế hóa chủ trương cải cách tiền lương của Đảng thành chính sách, pháp luật còn chậm, chưa đồng bộ, chưa theo kịp và chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Những điểm mới của Đề án cải cách tiền lương trình Trung ương 7

Nhiệm vụ của đợt cải cách tiền lương lần này là khắc phục những hạn chế nói trên để chính sách tiền lương thực sự trở thành động lực cho lao động, sản xuất, góp phần vào công tác xây dựng cán bộ, bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Theo đó, Đề án xác định tiền lương là thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình; đặt ra mục tiêu thực hiện chế độ tiền lương mới ở khu vực công từ năm 2021, xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp.

Đối với khu vực doanh nghiệp: Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu. Giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Đi vào những nội dung cải cách cụ thể của khu vực công, Đề án xác định với những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp) thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức.

Nhà nước thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: Mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương, các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương thay vì như hiện nay tại một số cơ quan, tổ chức các khoản phụ cấp gần ngang bằng, thậm chí còn cao hơn cả tiền lương, làm sai lệch bản chất của tiền lương.

Ngoài ra Đề án cũng thiết kế hạng mục tiền thưởng, bằng khoảng 10% tổng quỹ lương lấy từ nguồn tiết kiệm chi, tăng thu để trao cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trao cho người lao động giỏi.

Nhà nước cũng ban hành hệ thống bảng lương mới, quy định bằng số tiền tuyệt đối (thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường, gồm 3 bảng lương: Một là bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

Hai là bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, để khuyến khích người lao động tập trung làm chuyên môn.

Ba là bảng lương đối với lực lượng vũ trang. Trong đó chia ra bảng lương dành cho sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm), bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và bảng lương của công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Đề án cho phép người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng đối với một số tỉnh, thành phố ở vùng động lực được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị. Bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù khi thực hiện bảng lương mới.

Đối với cải cách lương trong khối doanh nghiệp, Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp.

Tách bạch tiền lương của người đại diện vốn Nhà nước với tiền lương của ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Từng bước tiến tới thuê hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế.

Để thực hiện các đổi mới trên, Đề án đặt ra nhiệm vụ của các cấp, ngành mà trực tiếp là hoàn thiện xây dựng hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm.

Đặc biệt, Đề án nêu ra các giải pháp tài chính, ngân sách đột phá để thực hiện thành công là từ năm 2018, hằng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương. Khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách để có nguồn chi trả lương thu hút nhân tài, động viên người lao động giỏi.

Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2020. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Cải cách chính sách tiền lương phải gắn chặt với việc triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chính phủ sẽ sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hoàn thiện cơ chế thỏa thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thoả thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.