Khuyến khích thành phố lớn GD trẻ nhập cư
Việc chính quyền trung ương phẩn bổ ngân sách giáo dục cho địa phương mà trẻ đang sinh sống (thành phố nơi trẻ nhập cư), thay vì nơi trẻ đăng kí hộ khẩu (thường là ở quê) – sẽ giúp các thành phố trang trải chi phí xã hội tăng lên – mặc dù, những ý kiến chỉ trích vẫn cho rằng cải cách trên là chưa đủ để lấp đầy thực chi tại những thành phố lớn nhất và thu hút người nhập cư nhất, nơi hàng triệu trẻ nhập cư đang vật lộn để có được giáo dục cơ bản. Cải cách cũng buộc ngân sách địa phương chịu trách nhiệm
“Câu hỏi thực tế là liệu các thành phố lớn có sẵn sàng mở vòng tay giáo dục với trẻ nhập cư không” – Tang Jun, Trung tâm Nghiên cứu chính sách xã hội Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhấn mạnh rằng mức chi thực tế cho GD mỗi trẻ em tại những thành phố lớn cao hơn nhiều mức chi ngân sách nhà nước.
Các thành phố giàu có nhất Trung Quốc thực tế đang tìm cách giảm bớt người nhập cư. Bắc Kinh đã giảm số người nhập cư mới vào thành phố này còn một nửa so với năm ngoái và giảm lượng dân nhập cư tại trung tâm thành phố bằng việc không tiếp nhận trẻ vào trường tiểu học, cũng như dỡ bỏ các chợ và cửa hàng nhỏ của người nhập cư. Tại Thượng Hải, dân số nhập cư cũng giảm lần đầu tiên trong năm ngoái.
Trẻ nhập cư gặp vô vàn thiệt thòi
Những cải cách trong thập kỉ qua cho phép người dân đăng kí lại hộ khẩu tại nơi mà họ an cư lập nghiệp nếu họ đáp ứng được những tiêu chí nhất định. Tuy nhiên để đạt được những tiêu chí đó thì lại cực khó và con cái người nhập cư vẫn phải chịu thiệt thòi, vừa không được hưởng phúc lợi giáo dục tại nơi bố mẹ làm việc, vừa gặp khó khăn khi phải trở về nhà để ôn và thi đại học cho “đúng tuyến”.
Yang Jiang được sinh ra tại tỉnh Tứ Xuyên. Cậu theo bố mẹ đến tỉnh duyên hải Giang Tô năm 7 tuổi. Trong 8 năm tiếp theo, Yang học tại trường tư ở Giang Tô nhưng với “thân phận” là trẻ nhập cư, Yang không được dự thi đại học tại Giang Tô. Vì thế, cậu phải trở về quê Tứ Xuyên năm thứ hai THCS để thích nghi với môi trường học tập và chuẩn bị ôn luyện kì thi đại học vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, những thay đổi bủa vây Yang và khiến Yang cảm thấy cô độc. Yang không có được mối quan hệ tốt với bạn bè và chỉ biết vùi đầu vào café Internet để vơi phiền muộn. “Cháu thực sự không thể thích nghi được với môi trường mới trong vài năm” – Yang kể - “Cháu không muốn nói chuyện với các bạn và họ cũng không muốn làm thân với cháu”.
Trải nghiệm của Yang phổ biến với nhiều trẻ em tại Tứ Xuyên, một trong những tỉnh xuất khẩu lao động lớn nhất tại Trung Quốc. Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc trong một nghiên cứu năm 2013 cũng chỉ ra rằng, trẻ em khó hoà nhập khi giữa giai đoạn phổ thông được gửi về nhà để học tiếp, thậm chí đối tượng trẻ em này bị đối xử không công bằng tại trường vì bị gắn cho những cái tội như “kiêu kì”, “khệnh khạng”… chỉ vì trở về từ môi trường phát triển hơn.