"Cãi" bố bênh vợ để giữ tình cảm gia đình

Trong mắt những người xung quanh bố chồng tôi là người tốt bụng cực kỳ. Chính tôi cũng phải công nhận là ông cụ tình cảm và dễ tính. Những ngày đầu sống chung giữa tôi và ông không có mâu thuẫn gì. Nhưng rồi, ở lâu vẫn có cái dở từ từ lộ ra...

"Cãi" bố bênh vợ để giữ tình cảm gia đình

Chồng tôi là con trai một trong gia đình mẹ mất sớm. Chị gái anh ấy cũng đã yên bề gia thất nên giờ chỉ còn lại bố và con trai, hai người đàn ông sống cùng với nhau. Từ ngày tôi về làm dâu bố chồng tôi vui ra mặt.

8c.jpg

Ông thường bảo với tôi: “Từ ngày có con về nhà này mới ra dáng một gia đình đấy. Không khí vui vẻ ấm cúng hẳn lên bao nhiêu. Trước đây chỉ có bố già thằng Mạnh chẳng mấy khi về nhà ăn cơm, mình bố lủi thủi buồn lắm. Thôi con cố gắng chịu đựng ông bố già này một chút nhé, chứ bố biết tụi trẻ chúng bay chẳng đứa nào thích ở với người già”.

Trong mắt những người xung quanh bố chồng tôi là người tốt bụng cực kỳ. Chính tôi cũng phải công nhận là ông cụ tình cảm và dễ tính. Những ngày đầu sống chung giữa tôi và ông không có mâu thuẫn gì. Nhưng rồi, ở lâu vẫn có cái dở từ từ lộ ra: Chuyện là, tôi đi làm suốt tuần, cứ đến thứ 7 chủ nhật là bố chồng lại gọi cả gia đình nhà chị gái tổng cộng 5 người sang nói: “Bố bảo em nó mua thức ăn rồi. Các con sang đây chơi với bố những ngày nghỉ cho vui”.

Thế là hai ngày nghỉ cuối tuần gia đình nhà chị chồng tôi vô tư ở lại nhà bố, ăn, chơi... Tôi chẳng có được lấy một phút ngơi nghỉ, chỉ loay hoay lo đi chợ, nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp cũng hết ngày. Chị chồng tôi nghĩ, tôi là em dâu có trách nhiệm phải phục vụ chị, nên chẳng giúp đỡ gì nhiều.

Tôi là người thích đông vui, lâu lâu đại gia đình tụ tập ăn uống thì vô cùng hoan hỉ. Nhưng suốt từ ngày tôi về làm dâu đến nay đã cả năm trời chứ không ít, tôi chưa được nghỉ ngơi một thứ 7, chủ nhật nào. Chưa kể đến nhà chồng tôi một năm còn có 5 cái giỗ to, lo mà mệt bở hơi tai, không kịp thở.

Một lần bố chồng gọi tôi lại vào bảo: “Mai nhà có khách, bố hẹn vợ chồng chị sang cả đây ăn cơm rồi. Con xem đi chợ sắm đồ về làm lấy 3 mâm nhé!”. Nói rồi ông quay đi. Chồng tôi hôm ấy ở nhà chứng kiến. Anh bực quá chạy ra bảo: “Bạn của bố, bạn của anh chị cả đến chơi mà nhà con phải chịu hết trách nhiệm là sao. Một đồng bố và chị cũng không đưa cho thì vợ con nó lấy đâu ra tiền đi chợ”.

Bố chồng tôi bình thường hiền là thế, vậy mà giờ ông trợn ngay mắt lên quát chồng tôi: “A, anh thật là giỏi, dám lớn tiếng với cả tôi. Anh chị có biết là anh chị đang sống ở đâu không? Đây là nhà tôi, nếu anh chị quên thì tôi nói cho anh chị nhớ”. Rồi như nhận ra mình đã nói hớ, ông quay lại nói với tôi như an ủi: “Cái nhà này sau tôi chết cũng thuộc về anh chị chứ ai vào đây. Chẳng lẽ lo những việc cỏn con như thế mà anh chị còn đùn đẩy trách nhiệm.”

Sợ lời qua tiếng lại hàng xóm nghe thấy tôi bấm chồng “bớt nóng” rồi đi vào phòng riêng. Nhưng kể từ hôm ấy trở đi những lời bố chồng nói cứ văng vẳng. Thì ra không phải là ông không biết tôi cực khổ, hai vợ chồng vừa mới cưới công việc chưa ổn định lúc nào cũng trong tình trạng thiếu tiền. Mà đây là ông cố tình. Vì bố chồng nghĩ chúng tôi đang ở nhà ông, sẽ hưởng lợi trên mảnh đất của ông nên đương nhiên phải chấp nhận.

Tôi vốn chẳng có lòng tham chiếm đất hay tơ tưởng đến của nả nhà chồng. Tôi chỉ muốn có một cuộc sống bình yên thế nên từ đó tôi bắt đầu chắt chiu tiết kiệm. Nhân lúc giá đất hạ vợ chồng tôi mua một mảnh ở gần nhà bố phòng sau này tiện chăm sóc ông đau ốm lúc về già.

Lại nói bố chồng tôi từ ngày chúng tôi ra ở riêng, hình như biết chúng tôi vay mượn nợ nần nhiều ông cũng có phần thông cảm. Có lần họp gia đình bố chồng tôi chủ động bảo: “Việc giỗ chạp là lo chi chung, từ nay bố và anh chị cả sẽ cùng lo với các con, không để một mình vợ chồng mày gánh vác nữa”.

Tôi thầm cảm ơn chồng vì đã hiểu và thông cảm, thậm chí còn đứng ra bênh vực giúp tôi giải tỏa những ấm ức trong lòng. Có lần tôi hỏi chồng: “Anh bênh vợ như thế thì có sợ người khác nói anh thiếu tính quyết đoán đàn ông không? Đáng nhẽ ra anh cũng có thể làm như anh A anh B quyết bắt vợ phục tùng theo ý bố mẹ...”.

Chồng tôi cười bảo: “Ai cũng có suy nghĩ, có quyền sống cho riêng mình. Anh bắt em theo ý người khác làm gì. Với lại dù chúng ta không sống chung dưới một mái nhà với bố như trước đây nhưng thực chất sự quan tâm chăm sóc của vợ chồng mình dành cho bố đâu có thay đổi. Anh thấy đôi khi chỉ vì sự khác biệt trong suy nghĩ giữa hai thế hệ nên việc sống chung sẽ dẫn tới những mâu thuẫn không đáng có một chút nào”.

Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ