Cuộc gặp gỡ bất thành
Tôi nhận được email từ một thành viên quản trị mạng hocthenao.vn với nội dung "Thứ Bảy này anh Châu có mặt ở TPHCM và định gặp anh. Xin anh cho biết anh có thể gặp anh Châu hay không? Xin anh hồi âm sớm để em sắp xếp lịch".
Tôi mở thư đọc, thư đã được gửi hai ngày trước, tuy vậy, tôi vẫn trả lời là tôi có thể gặp Ngô Bảo Châu. Thời gian và địa điểm do bạn chọn. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau đó, tôi đã nhận được thư trả lời với nội dung xin lỗi vì không thấy tôi trả lời ngay, nên người quản trị mạng báo lại anh không thể sắp xếp được.
Hồi đầu năm, trường chúng tôi cũng nhận được thông báo của Văn phòng Đại diện Bộ GD&ĐT tại TP Hồ Chí Minh, rằng: GS Ngô Bảo Châu có thể đến thăm trường. Nhưng rồi kế hoạch ấy cũng bị hoãn vì lịch làm việc trong chuyến đi ấy không cho phép anh Châu đến nhiều trường, chỉ một địa điểm được chọn là ĐH Mở TP Hồ Chí Minh.
Thế thì đành chịu, dù tôi muốn sinh viên trường tôi được thấy một Ngô Bảo Châu - Thần tượng của nhiều sinh viên Việt Nam - “bằng xương bằng thịt". Tôi rất tiếc vì mất cơ hội được gặp một nhà Toán học, một nhà giáo quan tâm đặc biệt đến Giáo dục Việt Nam.
Buổi gặp mặt giữa GS Ngô Bảo Châu với sinh viên tại ĐH Mở TP Hồ Chí Minh tôi có giấy mời. Nghĩ là có thể gặp Ngô Bảo Châu nhưng phút cuối tôi cũng không có mặt do có việc đột xuất tôi phải xa thành phố. Lần này, nếu admind không bố trí gặp được Châu thì đúng là “quá tam ba bận”.
Tôi tự bảo, tôi không có số gặp người nổi tiếng. Đành chịu.
Vô tình cắm liễu, liễu xanh um
Biết khó gặp Ngô Bảo Châu nên tôi có viết mấy ý kiến của mình cho admind của hocthenao.vn. Tôi chưa hề biết mặt Văn lần nào - tên admind, chỉ liên lạc qua mạng. Tôi nói với Văn là rất tiếc không gặp Châu được và góp ý với Văn về trang web hocthenao cho tốt, vì đó là một trang web uy tín có ảnh hưởng lớn đến người đọc, đến xã hội. Tôi hy vọng Văn sẽ chuyển những góp ý của tôi đến với Ngô Bảo Châu.
Gửi mail hôm trước, bất ngờ, tôi nhận được thư của Văn vào sáng hôm sau. Văn thông báo đã sắp xếp lịch để anh Châu gặp tôi, thời gian và địa điểm sẽ thông báo sớm nhất. Đúng là: Cố gắng trồng hoa, hoa chẳng mọc/Vô tình cắm liễu, liễu xanh um!
Hơn một giờ với Ngô Bảo Châu
Châu hẹn tôi đi café. Chúng tôi ngồi uống café sau màn chào hỏi. Văn chỉ vào người phụ nữ đi cùng và giới thiệu. Người phụ nữ gạt phắt: “Thôi khỏi. Chúng tôi biết nhau từ vài chục năm trước rồi”. Chị là người Nam bộ. Tính cách là vậy, nói sát sạt, không vòng vo.
Tôi kêu café, chị P. hỏi người ghi thực đơn rằng có trà xanh không? Trà xanh Việt Nam, pha bằng ấm ấy chứ không phải trà Lipton. Châu và Văn kêu café đá, chị P trà, còn tôi là li café sữa nóng.
Châu vào đề ngay: “Hôm nay em mời chị và anh ra đây để bàn một việc. Thưa chị và anh, em có một nhóm bạn 6 người, tất cả đều đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài. Chúng em hay bàn về giáo dục, về phát triển khoa học nước nhà. Chúng em định tổ chức một hội thảo ở Việt Nam sắp tới. Bàn về giáo dục thôi.
Cái mà em định làm ở hội thảo này là tìm mô hình tốt cho giáo dục nước mình. Cả mô hình trường công lẫn trường tư. Các nhóm nghiên cứu độc lập, rồi bàn cãi. Em định làm hội thảo này độc lập với quản lý Nhà nước. Mục tiêu là làm sao có thể cùng góp sức để đổi mới giáo dục sắp tới.
Em xem tin tức trong nước, thấy quyết tâm lớn, bắt đầu từ Trung ương, từ người đứng đầu ngành Giáo dục. Em cũng đã được gặp bác Luận (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) vài lần. Bác ấy tâm huyết lắm, quyết tâm lắm, coi đợt thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục lần này là một trận đánh lớn, không những cần sự quyết tâm cao độ của toàn Ngành mà còn là của cả hệ thống chính trị, của xã hội. Trận đánh này phải thắng!
Em nghĩ, người đứng đầu Ngành hạ quyết tâm sẽ kéo theo quyết tâm của mọi thầy cô giáo, của học sinh – sinh viên, của những người làm công tác giáo dục và cả xã hội, tạo nên sự đồng thuận trong việc đẩy mạnh đổi mới giáo dục nước nhà theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Chúng em cũng muốn cùng anh chị em trí thức trong nước làm một cái gì đó cho giáo dục, nhỏ thôi nhưng phải thiết thực”.
Chị P bảo: ‘Tôi không nói những gì thuộc về vĩ mô. Nếu Châu muốn chúng tôi nói chúng tôi có thể làm gì để một trường tư phát triển thì tôi nói được. Nhưng cũng chỉ là nói về cái trường tôi đang làm thôi. Trường khác thì tôi không dám”.
Rồi chị kể vì sao chị sang trường tư làm việc dù đã có hơn 15 năm dạy học và tham gia quản lý tới cấp khoa ở trường công: “Đơn giản thôi, tôi hỏi họ tôi có được đuổi một giảng viên không làm được việc khỏi trường không? Họ trả lời được. Thế là tôi sang, chỉ làm Tổ trưởng Tổ tiếng Pháp, Trưởng khoa thì trường họ có rồi.
Cứ nghĩ là họ nói thế thôi, chứ dễ dàng gì cho tôi quyền buộc thôi việc. Thế mà họ làm thật. Có một giảng viên giảng dạy ở tổ tôi, khi giảng dạy sai những lỗi sơ đẳng không thể chấp nhận, tôi gặp Trưởng khoa - người này không cùng chuyên ngành tiếng Pháp - trình bày. Nghe xong anh ấy chỉ hỏi: Chị cho nghỉ ngay hay hết học kỳ? Nếu nghỉ ngay thì phải kiếm người dạy thế ngay lập tức, không để sinh viên trống giờ học. Tôi thực sự ngạc nhiên và đồng ý sẽ để hết học kỳ”.
Châu bảo: “Ở nước ngoài cho một giảng viên nghỉ việc cũng không dễ như chị kể”.
Tôi quan sát Châu nói chuyện. Châu chăm chú nhìn vào người đối thoại và căng tai nghe. Không biết vì Châu lâu không sử dụng tiếng Việt nên phải chăm chú đến vậy, hay là Châu bị lãng tai? Tôi buồn cười vì ý nghĩ của mình.
Chị P nói: “Vì họ đã test kỹ rồi, khó nhầm được. Còn Việt Nam thì khó. Tôi cũng đã quá vất vả để xác định một người nộp bằng tiếnv sĩ giả của nước ngoài để xin giảng dạy. Trần ai! Nhưng muốn sinh viên học có hiệu quả thì phải chọn bằng được giảng viên giỏi. Trường công khó có thể làm được việc này”.
Tôi xen vào: “Bây giờ thì được. Ở chỗ em, ông tổ trưởng, ông trưởng khoa có quyền không nhận, quyền sa thải giảng viên”. Chị cười nghi ngờ và tiếp tục những câu chuyện khác.
Châu ngắt ngang một cách lịch sự: “Chị trở lại chủ đề em đưa ra đi. Chị có sẵn sàng không? Có thì coi như em đã đặt hàng nhé”. Chị P đồng ý. Chị xin phép ra về vì sáng nay còn đi dự một hội thảo.
Tôi ngồi với Châu một chút rồi chào để ra sân bay đi Hà Nội.
Châu dặn: “Anh ạ. Em định làm vào tháng Ba năm tới, chậm nhất là tới tháng Sáu, trước khi năm học mới bắt đầu”.
Tôi hứa với Châu là sẽ rủ anh em tâm huyết với giáo dục làm thành một nhóm để cùng bàn luận trong hội thảo mà Châu dự định - “đấu với nhau” - như lời Châu nói.
Ngắn, gọn, biết cách đưa người đối thoại về chủ đề thảo luận - đó chỉ là một trong những tính cách của nhà khoa học. Ngô Bảo Châu là một người như vậy!