Để nắm giữ thành công, mỗi người ít nhất phải trải qua đôi ba lần thất bại. Điều quan trọng, chúng ta có nhận ra chân lý “Bị đánh bại chỉ là tình trạng nhất thời, bỏ cuộc mới là sự thất bại vĩnh viễn” (Marilin Vos Savant).
Thất bại là khi mỗi người không đạt được một hoặc nhiều mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ nào đó đã đề ra trong cuộc sống, khiến mọi người cảm thấy thất vọng, đau khổ và buồn bã. Trong khi nhiều người khác thấy được “Thất bại chỉ đơn thuần là cơ hội để bắt đầu lại một cách thông minh hơn” (Henry Ford), thì nhiều người khác lại vội vàng bỏ cuộc, chấp nhận mình là kẻ thất bại.
Thực tế cho thấy, đa số những người thành công là những người không bao giờ đầu hàng trước số phận và hoàn cảnh, không bao giờ bỏ cuộc. Dẫu đường đến vinh quang với họ luôn “thấm đau vì những mũi gai”, dù “muôn ngàn sóng gió”, nhưng chính hoàn cảnh éo le đó đã giúp họ mạnh mẽ, kiên định, đủ ý chí và nghị lực vượt qua tất cả khó khăn, sai lầm… để chạm tới thành công.
Chúng ta biết tới nhà bác học Thomas Edison, trải qua hơn 10.000 lần thí nghiệm thất bại mới thành công với phát minh vĩ đại: Bóng đèn dây tóc và mang đến ánh sáng cho nhân loại. Điều đặc biệt là dù trải qua vô số lần thất bại nhưng ông lại xem đó là cơ hội.
Ông quan niệm rằng: “Rất nhiều thất bại trong cuộc sống đều do người ta không nhận ra rằng họ đã gần với sự thành công tới chừng nào và họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình”.
Nhà văn “phù thủy” J.K. Rowling cũng là một trong những minh chứng tiêu biểu cho việc không bao giờ có khái niệm bỏ cuộc dù bất cứ việc gì. Trước khi có được thành công với cuốn sách “Harry Potter”, bà đã trải qua những tháng ngày tăm tối trong cuộc đời mình: Thất nghiệp, ly hôn và phải nuôi con bằng trợ cấp xã hội.
Arianna Huffington - nữ doanh nhân, chính trị gia, nhà báo và là người phụ nữ quyền lực nhất ngành truyền thông Mỹ cũng là một ví dụ. Bà đã từng nhận phải thất bại cay đắng khi chỉ có 0,55% phiếu bầu cho cuộc chạy đua tổng thống Mỹ năm 2003. Khi viết cuốn sách thứ hai trong cuộc đời, bà đã bị từ chối xuất bản đến 36 lần.
Thế nhưng, thất bại này không khiến bà nản lòng. Trái lại, nó làm động lực cho bà dần vượt lên thất bại, tiếp tục cho ra đời thêm 13 cuốn sách giá trị khác.
Trong cuộc sống, còn có biết bao người trên khắp thế giới, thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề, lĩnh vực, hoàn cảnh, lứa tuổi khác nhau,… Họ đã đương đầu, chấp nhận, rút kinh nghiệm từ những thất bại trong cuộc sống và miệt mài làm lại, thử lại chúng thay vì bỏ cuộc. Tôn chỉ của họ chính là “Không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ bỏ cuộc”. Họ đủ sức chấp nhận thất bại. Họ có đầy đủ ý chí cùng sự quyết tâm. Và họ tin chắc rằng, phía cuối con đường họ đi sẽ là vinh quang, là tương lai xán lạn.
Thế nhưng, trong cuộc sống, không phải ai cũng có được ý chí mạnh mẽ để không bỏ cuộc, để tin tưởng vào chính mình, vào cuộc sống. Dù biết rằng, “Thất bại là mẹ thành công”, song vẫn có rất nhiều người lựa chọn lối sống không có ước mơ, ỷ lại, dựa dẫm vào gia đình, cha mẹ, người thân. Nếu có làm một điều gì đó thì hoặc là lo lắng, sợ hãi; hoặc là sẽ làm lấy lệ, đại khái; hoặc là nản chí, bỏ cuộc và tìm cớ lấp liếm, ngụy biện dẫu thành công đã cận kề.
Chàng trai trong câu chuyện “Cửa ải cuối cùng” là một ví dụ. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh được chọn là một trong 5 ứng cử viên làm việc tại giàn dầu khí trên biển. Anh vô cùng sung sướng vì biết rằng rồi đây, tương lai của mình sẽ tươi sáng.
Ngày đầu tiên, anh hí hửng đến nơi làm việc. Thế nhưng, việc anh được giao lại là cầm hộp đồ của người chủ quản ở khoang tàu dưới lên giao cho trưởng kíp ở khoang trên. Cứ thế, lần thứ nhất, anh làm với thái độ vui vẻ. Lần thứ hai, anh tỏ ra miễn cưỡng. Đến lần thứ ba, anh đã thực sự nổi nóng và quyết định từ bỏ vì cho rằng anh không đáng phải làm công việc như thế.
Điều anh không ngờ là, bên trong chiếc hộp thứ ba anh đang cầm chính là một chai sâm banh để chúc mừng anh vượt qua thử thách… Câu chuyện cho thấy, cũng giống như anh thanh niên kia, rất nhiều người quanh ta đã bỏ lỡ thành công ở giây phút cuối cùng.
Người thất bại thường tỏ ra khó chịu thay vì chấp nhận và bước tiếp. Họ đổ lỗi cho số phận, cho hoàn cảnh. Họ giống như những “Kẻ nhu nhược chỉ biết than vãn”. Họ không hay biết rằng, thực tế đã chứng minh “Người bỏ cuộc tất sẽ nắm thất bại”.
Những người bỏ cuộc sẽ không có được thành công, không thực hiện được mục tiêu, dự định của bản thân mình. Mọi thứ với họ luôn bắt đầu ở vạch xuất phát. Chỉ đến khi họ dám nhìn vào người khác, những người chưa bao giờ biết đến thành công là gì; thất bại ê chề như cơm bữa nhưng vẫn miệt mài, cố gắng vực dậy bước đi thì mới thấy bản thân mình nhút nhát, thua kém; thấy ngưỡng mộ, trầm trồ người khác; và mới bắt đầu nhận ra bản thân cần thay đổi.
Thế giới chúng ta đang sống không có chỗ cho những kẻ yếu đuối, bỏ cuộc, dễ dàng đánh mất niềm tin. Thế giới này chỉ dành cho những người dám đối diện với mọi thử thách, khó khăn, kiên trì với con đường đã chọn. Vì khi con người dám sống với mục tiêu của mình thì không có trở ngại nào có thể ngăn cản ý chí và lòng quyết tâm chiến thắng.
Sự khác biệt rõ rệt giữa người thành công và kẻ thất bại ở chỗ “Người bi quan trách gió, người lạc quan hi vọng gió đổi hướng, người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm”.
Đừng bao giờ bỏ cuộc bởi mỗi ngày đều là một cơ hội mới với chúng ta. Không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy đến ở phía trước. Quan trọng là chúng ta được sống.
Chúng ta có trong tay tất cả những nguồn lực mà người khác có. Khi chúng ta không bỏ cuộc trước thất bại, đồng nghĩa, chúng ta sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu từ thất bại của chính mình.
Thành công sẽ cho ta hạnh phúc, giúp ta nhận ra sự thay đổi của bản thân, lan tỏa điều tốt đẹp của mình đến với mọi người… Cơ hội để mỗi người biến điều không thể thành có thể không khó. Tại sao chúng ta lại sớm đầu hàng, bỏ cuộc?