Cách vệ sinh đúng giúp kéo dài tuổi thọ của nồi cơm điện

GD&TĐ - Nồi cơm điện nên thường xuyên vệ sinh sẽ giúp nấu cơm thơm ngon, giữ được độ bền, mới cho sản phẩm, đặc biệt giảm một nửa tiền điện.

Cần làm vệ sinh bên trong và bên ngoài của nồi (hình minh họa)
Cần làm vệ sinh bên trong và bên ngoài của nồi (hình minh họa)

Nồi cơm điện ngày nay đã trở thành vật không thể thiếu trong mọi nhà, không những tiện lợi mà giá thành cũng rất phải chăng, phù hợp với kinh tế của các gia đình.

Nồi cơm điện tuy dễ sử dụng nhưng nếu lâu ngày không được vệ sinh sẽ bị bám rất nhiều bụi bẩn cả phía bên trong lẫn bên ngoài, vừa mất thẩm mỹ lại ảnh hưởng đến quá trình truyền nhiệt, khiến cơm lâu chín gây tốn điện hơn.

Nếu bạn là người quá bận rộn, không thể vệ sinh nồi ngay sau mỗi bữa thì cũng đừng quá lo, hãy áp dụng theo cách dưới đây để làm mới lại nồi cơm nhà mình nhé.

Tại sao phải thường xuyên vệ sinh nồi cơm điện

Vệ sinh nồi cơm điện thường xuyên và đúng cách giúp nồi bền hơn, cơm ngon hơn cũng đồng thời giúp người sử dụng tiết kiệm phần nào chi phí tiền điện. Nồi cơm điện thực sự sẽ trở thành một thiết bị lôi kéo nhiều điện năng nếu chúng ta không biết cách vệ sinh và sử dụng nó.

Ngoài ra, làm sạch nồi đúng cách giúp hạn chế nấm mốc, vi khuẩn gây mùi khó chịu gây ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn.

Vệ sinh bên ngoài

Dùng khăn sạch lau sơ qua nồi để loại bỏ bụi bẩn bám bên ngoài. Nếu nồi có các vết bẩn khó làm sạch hơn thì có thể dùng khăn ẩm lau một lần nữa cho sạch rồi dùng một chiếc khăn khác để lau khô.

Tốt nhất là sử dụng miếng bọt biển hoặc một chiếc khăn mềm để chùi rửa lòng nồi dưới vòi nước, nên lau nhẹ nhàng để tránh làm hư hỏng nồi. Nếu rửa xong mà nồi vẫn còn có mùi, bạn có thể cho nồi vào nước sôi ngâm khoảng 30 phút. Sau đó, bạn lấy ra, lau lại bằng khăn sạch rồi để khô.

Vệ sinh bên trong

Đừng chỉ vệ sinh nồi cơm điện bề mặt bên ngoài cũng như lòng nồi bên trong. Để đảm bảo độ bền và tiêu tốn ít điện năng của nồi, bạn còn cần phải làm sạch phần đĩa cứng đệm giữa đáy nồi và ruột nồi - hay còn gọi là "mâm nhiệt" nữa.

Làm sạch mâm nhiệt của nồi: Lấy một chiếc bát lớn, đổ một lượng giấm trắng thích hợp vào bát, sau đó bạn chuẩn bị một chiếc khăn giấy và nhúng khăn vào trong nước giấm trắng.

Lấy khăn giấy ra phủ lên mặt trên của tấm sưởi khoảng 5 phút. Nhấc bỏ lớp khăn giấy ra, bôi một lượng kem đánh răng lên mâm nhiệt rồi dùng bàn chải đánh răng cọ các vết bẩn.

Sau khi làm sạch mâm nhiệt bằng bàn chải đánh răng, chúng ta lấy khăn giấy lau bỏ những vết bẩn đó ra ngoài sau đó dùng khăn ẩm lau lại cho thật sạch.

Vì giấm có tác dụng làm mềm vết bẩn, và có tính tẩy nhẹ nên khi kết hợp cùng kem đánh răng sẽ làm tăng tính tẩy lên. Bàn chải đánh răng có tác dụng làm tăng tính ma sát và có lông mềm nên không sợ làm hỏng nồi, đồng thời, kích thước bàn chải nhỏ gọn nên có thể dễ dàng di chuyển trong lòng nồi mà không bị vướng và có thể cọ rửa được hết ngóc ngách nhỏ bên trong.

Vệ sinh phần khoang bên ngoài mâm nhiệt: Cho một lượng giấm trắng thích hợp vào bình tưới, sau đó xịt giấm trắng vào phía ngoài của mâm nhiệt. Tiếp đến bạn chuẩn bị một bàn chải đánh răng và bóp một lượng kem đánh răng thích hợp lên trên rồi dùng bàn chải này cọ cẩn thận. Sau đó dùng chiếc khăn ẩm sạch lau lại cho sạch hoàn toàn.

Khi làm vệ sinh nơi này, cần tháo các thành phần bên trong ra, sau đó rửa bằng nước sạch có hòa thêm muối và backing soda, sẽ giúp khử trùng và loại bỏ bụi bẩn.

Chú trọng khu vực van thoát hơi nước, có nhiều khe nhỏ nên là nơi lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi nếu không được làm vệ sinh thường xuyên.

Mỗi loại nồi sẽ có cách tháo van thoát hơi nước riêng, do đó, bạn nên áp dụng cách tháo sao cho phù hợp với từng loại. Sau khi bạn rửa sạch với nước như ở trên thì lấy khăn mềm lau khô rồi lắp lại như cũ.

Lưu ý:

Không được rửa thân nồi trực tiếp bằng nước.

Không được tự ý tháo ráp và thay đổi linh kiện của nồi khi làm vệ sinh.

Không nên chùi quá mạnh lòng nồi để tránh làm trầy lớp phủ chống dính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.