Những doanh nghiệp giấu mặt
Một loạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hiệp Quốc và một sắc lệnh trừng phạt khác vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký đều nhằm cô lập chế độ của ông Kim Jong Un về kinh tế. Mặc dù vậy, Bình Nhưỡng vẫn tổ chức được các liên doanh hoạt động có lãi, một số ẩn sau khoảng 40 sứ quán Triều Tiên tại các nước.
Các Đại sứ quán Triều Tiên đã dành nhiều thập kỷ để điều hành kế hoạch huy động tiền mặt mà theo luật quốc tế hiện nay, gần như tất cả đều bất hợp pháp. Các nhà ngoại giao và những người làm nghề môi giới của nước này hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ vũ khí, ma túy đến các sản phẩm thông thường như máy công cụ, thậm chí cả… bò. Nhiều vụ buôn rượu lậu, thuốc lá, xe hơi hạng sang và các mặt hàng có thể được nhập khẩu miễn thuế, sau đó bán với giá cao hơn cũng được ghi nhận.
Mặc dù rất khó để lần ra dấu vết các doanh nghiệp này, nhưng không phải tất cả đều hoạt động một cách thầm lặng. Đơn cử như Đại sứ quán Triều Tiên tại Sofia (Bulgaria), sở hữu một số nhà gồm 2 phần riêng biệt. Một là một tòa nhà phức hợp, nơi đại sứ quán tọa lạc, và một là không gian tổ chức sự kiện, được gọi là Terra Residence, cách đó khoảng 15 phút đi bộ. Đây từng là nhà riêng của Đại sứ Triều Tiên, nhưng ngày nay được dùng để cho thuê cho các buổi chụp ảnh tạp chí, làm video ca nhạc hay quảng cáo; ngoài ra còn cho thuê hội nghị, tiệc cưới, dạ hội… Nơi đây thường tổ chức tiệc tùng, thậm chí bắn pháo hoa tưng bừng khi đêm đã khuya. Người dân đã phản ánh với cảnh sát, nhưng họ không làm được gì nhiều, vì tòa nhà được hưởng quyền ưu tiên ngoại giao đặc biệt.
“Bố vợ tôi là một đại sứ” - ông Marcus Noland, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên và là Viện phó Viện Kinh tế thế giới Peterson cho biết - “Ông nói với tôi rằng nhiều năm trước, khi ông còn ở Ấn Độ, các nhà ngoại giao đều biết rõ rằng nếu cần mua thịt bò thì chỉ cần gõ cửa sau của Đại sứ quán Triều Tiên ở Delhi. Họ có cả một lò mổ ở tầng hầm”.
Hút tiền từ nhiều kênh
Mặc dù các biện pháp trừng phạt đang được thi hành nghiêm khắc, nhưng năm ngoái, Triều Tiên vẫn đạt được 6,5 tỷ USD thương mại. Các nhà phân tích cho rằng, lượng tiền từ các Đại sứ quán Triều Tiên chiếm một phần trong con số này. Ngoài ra còn tiền từ các vệ sĩ Triều Tiên của các nhà độc tài không tin tưởng vào người dân nước họ; lao động Triều Tiên ở khắp nơi trên thế giới – những người này đều buộc phải nộp lại tiền lương; các công ty nhà nước chuyên xuất khẩu tên lửa đạn đạo và vũ khí sang các nước như Syria chẳng hạn.
Trong một số trường hợp, thậm chí các nhà ngoại giao còn liên quan đến các thương vụ vũ khí. Một quan chức trong Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh lại đồng thời làm việc cho Công ty Thương mại Haegeumgang. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, công ty này đã cung cấp tên lửa đất đối không và hệ thống radar cho Mozambique. Ngoài ra, công ty này cũng bán máy công cụ. Một quảng cáo năm 2014 về sản phẩm máy công cụ này trên trang web của Trung Quốc thậm chí còn ghi địa chỉ Công ty Haegeumgang trùng với địa chỉ của Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh. Tệ hơn nữa, thông qua giám sát, năm 1976, cảnh sát Na Uy nhận định tất cả các thành viên của Đại sứ quán Triều Tiên ở Oslo đều tham gia nhập và bán được 10.000 chai rượu và 100.000 bao thuốc lá.
Ở Ba Lan, có tới 40 doanh nghiệp được liệt kê địa chỉ tại địa chỉ của Đại sứ quán Triều Tiên ở Warsaw, bao gồm một công ty dược phẩm, một số công ty quảng cáo và một… câu lạc bộ đua thuyền. Không ai biết các doanh nghiệp này có nhân viên nào hay không.
Giờ đây, các lệnh trừng phạt đã buộc các Đại sứ quán Triều Tiên phải kiềm chế tham vọng, chỉ hoạt động “kinh doanh” một cách cầm chừng. Thế nhưng, bằng cách này hay cách khác, các Đại sứ quán Triều Tiên vẫn đang cố gắng gửi tiền về cho ngân quỹ sản xuất tên lửa của ông Kim Jong Un.