Vì là bệnh mạn tính, diễn biến kéo dài, không có những dấu hiệu cấp tính nguy hiểm nên nhiều người lơ là trong việc tự chăm sóc và theo dõi. Tuy nhiên, về lâu dài các biến chứng của hai bệnh này có thể gây chết người hoặc tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Các biến chứng của bệnh tăng huyết áp
Các nghiên cứu ở người bệnh tăng huyết áp tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, nguy cơ tử vong tăng gấp đôi khi chỉ số huyết áp tăng mỗi 20mmHg đối với huyết áp tối đa và 10mmHg đối với huyết áp tối thiểu.
Sau đây là các biến chứng thường gặp do bệnh tăng huyết áp gây ra đối với các tổ chức, cơ quan trong cơ thể:
- Tim mạch: Bệnh động mạch vành với nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần, rối loạn nhịp tim, phồng và bóc tách động mạch chủ có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt là suy tim, có khoảng 90% bệnh nhân suy tim liên quan đến bệnh tăng huyết. Nếu người bệnh tăng huyết áp được điều trị kiểm soát tốt sẽ giảm được 50% nguy cơ suy tim.
- Não: Nguy cơ bị tai biến mạch máu não (đột quỵ) tăng gấp 4 lần. Ngoài ra còn bị một số bệnh lý não khác do bệnh tăng huyết áp gây ra.
- Thận: Gây suy thận do tác động của huyết áp cao làm tổn thương các động mạch thận dẫn đến hậu quả suy thận. Trong trường hợp nhẹ hơn, người bệnh có thể tiểu ra protein. Hàm lượng protein có trong nước tiểu nói lên mức độ tổn thương của tổ chức thận.
- Mắt: Biến chứng này diễn ra khá chậm. Nó tiến triển theo giai đoạn từ nhìn mờ đến lòa hoặc mất ánh sáng hoàn toàn.
Để có một cơ thể khỏe mạnh, không chỉ phòng bệnh tăng huyết áp, mà còn phòng được nhiều bệnh khác, Hội Tim mạch Việt Nam đã đưa ra 10 lời khuyên mà mọi người cần thực hiện: Duy trì cân nặng hợp lý, tránh béo phì; Tập thể dục đều đặn mỗi ngày; Ăn nhiều rau và hoa quả tươi, tránh luộc kỹ hay chiên xào;
Giảm muối trong chế biến và luôn kiểm tra hàm lượng muối trên bao bì thực phẩm; Kiểm tra và kiểm soát hàm lượng chất béo và đường; Cai thuốc lá; Giảm lượng cafeine ở thức uống có ga, nước tăng lực cũng như trong cà phê và trà; Hạn chế tối đa rượu, bia; Thêm củ cải đường và nước củ cải đường vào khẩu phần ăn; Chú ý nghỉ ngơi, hạn chế bị stress.
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường
Có thể nói, đái tháo đường là một trong những bệnh có nhiều biến chứng nhất. Bởi đây là bệnh có phạm vi tác động toàn thân và tiến triển lâu dài. Các biến chứng của bệnh đái tháo đường bao gồm: Biến chứng cấp tính và biến chứng mạn tính.
Biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường là tình trạng hạ đường huyết ở bệnh nhân dùng các thuốc hạ đường huyết, tiêu biểu là Insuline và Sulfonylureas. Hạ đường huyết hay gặp ở những người không cung cấp đủ năng lượng như bỏ bữa ăn, ăn trễ bữa, ăn uống thiếu thốn hay hoạt động thể lực nhiều.
Điều kiện thuận lợi cho hạ đường huyết xảy ra là các bệnh đi kèm như suy thận, suy gan, người nghiện rượu và lớn tuổi. Việc sử dụng các loại thuốc hạ đường huyết không được kiểm soát chặt chẽ cũng rất dễ gây ra hạ đường huyết.
Một biến chứng cấp tính khác của bệnh đái tháo đường là sự gia tăng áp lực thẩm thấu do lượng đường huyết tăng quá cao (>600mg/dL) làm cho người bệnh đi tiểu nhiều, gây mất nước và rối loạn điện giải. Đường huyết trong máu cao còn gây rối loạn chuyển hóa và dẫn đến tình trạng nhiễm toan Acetone khiến cho người bệnh lú lẫn, lơ mơ, hôn mê và có thể tử vong.
Các biến chứng mạn tính ở người mắc bệnh đái tháo đường bao gồm:
- Biến chứng tim mạch: Như bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch và tai biến mạch máu não.
- Biến chứng thần kinh: Gây tổn thương các sợi thần kinh và tùy theo sợi thần kinh nào tổn thương mà có các biểu hiện tương ứng.
- Biến chứng thận: Làm thương tổn hệ thống mao mạch thận, gây ra sự giảm khả năng lọc của cầu thận và cuối cùng là suy thận.
- Biến chứng mắt: Qua các tổn thương vi mạch võng mạc, là nguyên nhân dẫn đến mù lòa.
- Biến chứng da cơ: Thường gặp loét bàn chân, các trường hợp nặng có thể dẫn đến cắt cụt bàn chân hoặc cắt cụt chi.
Để đề phòng các biến chứng trên tốt nhất là phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh đái tháo đường qua việc khám sức khỏe và xét nghiệm đường máu định kỳ (6 tháng một lần). Khống chế một cách có hiệu quả lượng đường máu ở người mắc bệnh đái tháo đường, điều trị có theo dõi, kiểm soát của chuyên môn.
Thực hiện chế độ ăn phù hợp với bệnh lý như giảm lượng đường và tinh bột, tăng lượng đạm, rèn luyện thể lực, chống nguy cơ béo phì, hạn chế bia rượu, thuốc lá. Người bệnh đái tháo đường cần đi khám ngay nếu có biểu hiện nghi ngờ liên quan đến các biến chứng kể trên.