Cách ôn tập môn Tiếng Anh hiệu quả tránh bị điểm liệt

GD&TĐ - Để ôn tập hiệu quả môn Tiếng Anh giai đoạn nước rút, cô Đặng Thị Phượng cho rằng học sinh phải có phương pháp, kế hoạch học tập khoa học.

Cô Đặng Thị Phượng – giáo viên môn Tiếng Anh – Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP. Hà Nội).
Cô Đặng Thị Phượng – giáo viên môn Tiếng Anh – Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP. Hà Nội).

Cần có chiến thuật học và chiến thuật làm bài

Theo cô Đặng Thị Phượng – giáo viên môn Tiếng Anh – Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP. Hà Nội): “Trong quá trình ôn thi nước rút tại kỳ thi tốt nghiệp THPT học trò sẽ rất áp lực. Do đó, môn Tiếng Anh các em nên có kế hoạch và lộ trình cụ thể”.

Thứ nhất xác định rõ mục tiêu: Để có chiến thuật ôn tập hiệu quả, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh xác định mục tiêu học tập rõ ràng và hợp lý. Mục tiêu này cần phù hợp với năng lực và nguyện vọng của học sinh. Nếu các em muốn thi vào các trường, khoa chuyên Anh, ngoài các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa cần phải ôn luyện thêm kiến thức nâng cao.

Với những em có nguyện vọng thi vào các trường có mức điểm tuyển sinh tầm trung cần nắm vững kiến thức cơ bản và luyện tập nhuần nhuyễn các dạng bài có trong đề thi.

Thứ 2: Lập kế hoạch cụ thể cho giai đoạn ôn thi nước rút: sau khi học sinh đã xác định được mục tiêu, giáo viên hướng dẫn trò lên kế hoạch cụ thể cho việc ôn tập theo từng giai đoạn.

Nếu thời gian ôn thi là 3 tháng, các em có thể ưu tiên ôn tập kiến thức cơ bản trước, sau đó luyện các dạng bài chuyên sâu cho từng chủ điểm ngữ pháp, từ vựng, đọc, viết trước khi làm đề.

Tuy nhiên nếu thời gian chỉ còn một tháng, học sinh cần tập trung đẩy mạnh việc luyện đề, phát hiện ra những mảng kiến thức, dạng bài mình hay mắc lỗi để tập trung ôn luyện kỹ hơn.

Ngoài ra, các em cũng có thể phân bổ thời gian theo hình thức là mỗi chuyên đề kiến thức sẽ được ôn tập trong 3-5 ngày, sắp xếp thời gian phù hợp với từng chuyên đề để khi học xong chuyên đề đó các em có thể nắm toàn bộ nội dung bao gồm lý thuyết và các dạng bài tập.

Đối với kỹ năng làm bài, cô Phượng lưu ý: “Học sinh cần đọc kỹ và hiểu rõ yêu cầu của đề, yêu cầu của từng phần trước khi làm bài. Trong quá trình làm bài, các em nên ưu tiên làm những bài dễ, vừa sức trước, làm tới đâu chắc tới đó, đánh dấu ngay vào phiếu trả lời, tránh làm nháp rồi mới điền vào phiếu trả lời sau.

Để tránh tình trạng bỏ sót các câu, học hãy nhớ phương pháp loại suy là tối ưu nhất. Nếu gặp trường hợp khó quá cũng phải loại dần từng phương án, sau đó chọn phương án thích hợp nhất, không được bỏ trống bất cứ câu nào”.

Cô Đặng Thị Phượng mong rằng học sinh bình tĩnh, tự tin để chinh phục được cánh cửa trường đại học các em mơ ước.

Cô Đặng Thị Phượng mong rằng học sinh bình tĩnh, tự tin để chinh phục được cánh cửa trường đại học các em mơ ước.

“Trong đề thi môn Tiếng Anh thường có khoảng 10-15% là những câu hỏi khó. Với các câu hỏi này các em nên đánh dấu để làm sau cùng, không nên quá tập trung để tránh lãng phí thời gian”, cô Đặng Thị Phượng lưu ý.

Các chủ đề có thể gặp

Theo cô Phượng một số chủ đề từ vựng thường gặp trong đề thi Tiếng Anh: công nghệ (Technology), kinh tế (Economy), thời trang (Fashion), gia đình và bạn bè (Family and Friends; sở thích (Hobby), trường lớp (School); nghề nghiệp (Job), văn hoá (Culture), ẩm thực và du lịch (Cuisine and Travel), giáo dục (Education); lịch sử (thường là các vĩ nhân của thế giới); khoa học ( Vũ trụ, Sinh học, Vật lý, Môi trường, …);

Phần ngữ: phát âm đuôi ed; phát âm đuôi s; trọng âm các âm tiết ngắn, dài. Các thì tiếng Anh, câu bị động – câu chủ động; câu tường thuật, trợ động từ khiếm khuyết, câu điều kiện, so sánh ngang bằng – so sánh hơn – so sánh nhất; phrasal verbs/ Idioms, cách dùng mạo từ a, an, the.

Câu mong ước, lời nói gián tiếp, sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ, mệnh đề quan hệ, đảo ngữ, câu giả định.

Đối với phần đọc hiểu và viết lại câu, cô Phương lưu ý, một bài thi Tiếng Anh sẽ có từ 2 bài đọc hiểu trở lên. Một bài yêu cầu các em đọc và khoanh tròn và đáp án đúng nhất. Bài còn lại sẽ yêu cầu các em từ để điền vào chỗ trống. Dạng bài viết lại câu thường xuất hiện cuối cùng trong đề.

Đây cũng là phần vừa dễ lại vừa khó với các em học sinh. Dễ vì nếu đó là câu có cấu trúc các em quen thuộc, các em sẽ dễ dàng lấy điểm phần này. Khó vì các em sẽ không dễ dàng lấy điểm cho phần này vì nếu đúng cấu trúc nhưng sai ngữ pháp và từ vựng thì các em sẽ bị trừ điểm ngay.

“Để tránh điểm liệt, các em cần biết các dạng bài chắc chắn sẽ xuất hiện trong đề thi, nắm được đa số kiến thức cơ bản và có chiến thuật làm bài hợp lý như: đọc lướt qua đề để ưu tiên làm những bài vừa sức, dùng phương pháp loại trừ với các câu khó để đoán đáp án phù hợp nhất’, cô Đặng Thị Phượng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.