Cách nào quản lý được rượu chứa methanol?

GD&TĐ - Đó là câu hỏi được các nhà quản lý, người dân đặt ra sau khi ghi nhận nhiều ca ngộ độc rượu làm không ít người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một số trường hợp tử vong. Những bệnh nhân trên đều có điểm chung là sử dụng phải rượu không có nguồn gốc, do một số cơ sở mua cồn công nghiệp pha chế thành rượu.

Cách nào quản lý được rượu chứa methanol?

Liên tiếp ca tử vong vì ngộ độc rượu

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong 10 ngày gần đây, Hà Nội không phát hiện ca ngộ độc rượu methanol mới. Ghi nhận tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, hầu như ngày nào cũng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu.

Mới đây nhất, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai lại ghi nhận thêm một ca ngộ độc methanol tử vong. Bệnh nhân T.A.D (58 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê, toan chuyển hóa nặng. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được lọc máu thải độc, đặt nội khí quản, thở máy, điều trị tích cực.

Tuy nhiên do ngộ độc quá nặng (hàm lượng methanol lên tới gần 150mg/dL) nên dù đã được cấp cứu kịp thời, khẩn trương nhưng bệnh nhân vẫn đi vào hôn mê sâu. Kết quả chụp MRI não cho thấy não bị tổn thương nặng và bị xuất huyết 2 bên, tiên lượng khó có khả năng hồi phục nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà. Bệnh nhân này có tiền sử nghiện rượu, để “thỏa mãn” cơn nghiện, hầu như ngày nào anh ta cũng lén uống ngoài quán, số lượng không kiểm soát được.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, cho hay, trong thời gian qua tình trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu có chứa methanol vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.

Mỗi năm vẫn còn nhiều ca phải nhập viện, thậm chí tử vong vì ngộ độc rượu. Nhiều trường hợp là do uống rượu liên tục trong một thời gian ngắn (từ 8 tới 12 tiếng) nhưng nhiều trường hợp đáng tiếc lại do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, các nạn nhân phần lớn lại là người nghèo, sinh viên, người trẻ tuổi chưa đủ nhận thức, còn ham sản phẩm rẻ. Việc điều trị đối với những ca ngộ độc rượu có chứa methanol rất tốn kém về thời gian, tiền bạc và còn để lại những di chứng lâu dài như giảm thị lực, ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh của người bị ngộ độc.

Bài toán quản lý

Theo ông Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, sau 1 tuần ra quân truy xuất rượu chứa methanol, các cơ quan chức năng đã kiểm tra được trên 3.500 cơ sở; niêm phong gần 50.000 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cảnh cáo và xử lý trên 560 cơ sở và tiêu hủy trên 1.600 lít rượu không nguồn gốc. Số tiền phạt khoảng 1 tỷ đồng.

Các đoàn kiểm tra đã xét nghiệm nhanh methanol trên 1.000 mẫu rượu. Đồng thời, lấy 73 mẫu gửi xét nghiệm tại labo, kết quả phát hiện 5 mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng, ông Trần Văn Chung cho biết.

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho rằng, theo quy định rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh, doanh nghiệp muốn sản xuất và phân phối, phải được cấp giấy chứng nhận của Bộ Y tế. Trường hợp sản xuất kinh doanh không có giấy phép và phân phối rượu ra thị trường không đạt tiêu chuẩn là hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Cường, quản lý mặt hàng rượu có đầy đủ các văn bản pháp lý từ luật đến nghị định, thông tư nhưng lại “vướng” ở việc thực hiện. Bởi thực tế, vì lợi nhuận, rượu “rởm” gắn mác “rượu quê” nhưng thực chất là sử dụng cồn công nghiệp pha nước lã bán giá chỉ 12.000 - 15.000 đồng/lít đang len lỏi vào từng ngõ ngách khu dân cư trên cả nước.

Ông Nguyễn Phú Cường khẳng định, với hành vi gian lận này, cộng với số lượng các cơ sở sản xuất rượu nhỏ lẻ tự phát rất lớn, không thể chỉ trông chờ vào lực lượng thanh kiểm tra của ngành công thương mà rất cần đến vai trò của chính quyền địa phương vì chỉ có từ cơ sở mới phát hiện kịp thời được các hành vi phạm, ngăn chặn hành vi vi phạm tràn ra thị trường.

Đồng quan điểm này, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng nạn ngộ độc rượu chứa methanol thực sự đáng lo ngại, song điều mấu chốt là các địa phương vào cuộc thế nào, chính quyền cơ sở có quản lý, xử lý được sai phạm hay không mới là chuyện cần quan tâm.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, ở người lớn, ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30 ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Thống kê của Trung tâm Chống độc, từ ngày 22/2 đến ngày 8/3, tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 14 ca ngộ độc loại rượu chứa cồn công nghiệp methanol vào điều trị, trong đó 1 trường hợp đã tử vong; 1 trường hợp gia đình xin về. Các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng chủ yếu sống và làm việc tại Hà Nội, có uống rượu, mua rượu tại các quán, các cửa hàng trên địa bàn Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.