Đã đến lúc phải hành động
“Trước thực tiễn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, mức độ lan tỏa và phạm vi tác động ngày càng lớn trên phạm vi toàn cầu và đang từng bước gõ cửa từng gia đình, chạm đến từng người trong chúng ta, VINASA và Ban tổ chức đã chọn chủ đề của diễn đàn năm nay về chuyển đổi số trong CMCN lần thứ 4, với nội dung chính tập trung thảo luận về xây dựng chiến lược chuyển đổi số của việt Nam; phát huy các thế mạnh kinh tế số của Việt Nam; phát triển thành phố thông minh; xây dựng hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực, thức đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đây đều là những vấn đề quan trọng được nêu ra trong Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.”- PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phân tích: CMCN lần thứ 4 chúng ta đã đề cập nhiều, giờ là lúc chúng ta phải hành động. Chúng ta phải dấn thân hơn nữa, mạnh dạn hơn nữa thì mới mong thành công trong cuộc cách mạng này. Phó Thủ tướng kêu gọi cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội phải kết nối với nhau, chia sẻ với nhau, cùng phối hợp hành động để tạo nên sức mạnh vì CMCN lần thứ tư là chia sẻ, là kết nối.
Phó Thủ tướng yêu cầu: Phải xây dựng hạ tầng CNTT hoàn chỉnh, đi trước một bước so với nhu cầu phát triển đặc biệt là hạ tầng băng thông rộng, 4G, tiến tới 5G; đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ CNTT, các cơ quan nhà nước phải mạnh dạn hơn nữa trong, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng và thuê dịch vụ CNTT. Các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp phải nghiêm túc rà soát và thực hiện 6 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Vietnam ICT Summit 2016 năm trước.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã khẳng định quyết tâm của Bộ trong việc thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ TT&TT sẽ xây dựng và đề xuất các chính sách để đảm bảo phát triển hạ tầng số; đảo bảo an toàn hệ thống thông tin quốc gia; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn trong lĩnh vực CNTT; cơ chế ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp. Bộ cũng đề xuất: thông báo công khai các dự án, kế hoạch và nhu cầu ứng dụng CNTT khu vực công nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại khu vực này. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh đổi mới giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển của CMCN lần thứ 4.
Cần tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế số
Thông điệp tại Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017 cho thấy rằng: CMCN 4 là thời cơ thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, không thể bỏ lỡ. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào nhận thức, khát vọng và sự dấn thân của lãnh đạo đất nước, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân cho việc hiện thực hóa khát vọng này. Việt Nam phải có dũng khí và hành động quyết liệt để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của CMCN 4; phải tạo được môi trường khuyến khích sáng tạo, hệ thống chính sách, pháp luật thông thoáng, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển. Trước hết Việt Nam phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia để định hướng phát triển kinh tế - xã hội số; trên cơ sở đó xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, từng doanh nghiệp, từng sản phẩm; đảm bảo tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược phải được diễn ra trên cơ sở chuyển đổi số trong mọi ngành, mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ.
Cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội, trong đó sự liên kết giữa cơ quan Nhà nước – doanh nghiệp – trường đại học, viện nghiên cứu giữ vai trò nòng cốt, cùng phối hợp hành động quyết liệt và kịp thời bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.
Cần tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế số, tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trước hết là công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh và du lịch thông minh, trở thành những điểm sáng nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế số thế giới. Tháo gỡ mọi rào cản, xây dựng hệ sinh thái để thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự là động lực chính của nền kinh tế số.
Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới giáo dục đào tạo, chú trọng đào tạo và đào tạo lại kiến thức, kỹ năng mới, nhất là tiếng Anh, toán học, và tư duy hệ thống; đưa các nội dung liên quan đến CMCN 4 vào chương trình phổ thông, dạy nghề, đại học; có kế hoạch chủ động về chuyển đổi việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đối với các nhóm lao động có nguy cơ mất việc làm cao trong CMCN 4, nhất là nhóm lớn tuổi và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác; khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí dấn thân khởi nghiệp, sáng tạo của từng người dân, từng gia đình, từng trường học, từng cộng đồng, từng doanh nghiệp; chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với những thay đổi căn bản của các mối quan hệ xã hội trong thời đại số.
Thông điệp của Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017 cũng nhấn mạnh việc hình thành hệ thống chính sách, pháp luật khuyến khích phát triển và đảm bảo sự kết nối, chia sẻ cũng như sử dụng hiệu quả hạ tầng số quốc gia, bao gồm: Hạ tầng viễn thông, Hạ tầng dữ liệu (đặc biệt là dữ liệu mở - Open Data), Hạ tầng thông tin và Hạ tầng tri thức; xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Khẩn trương xây dựng các thành phố thông minh, tạo dựng hệ sinh thái cho các dịch vụ phục vụ dân sinh phát triển, an toàn cho người dân theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về đô thị thông minh, cộng đồng thông minh của thế giới và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; trước tiên cần sớm xây dựng trung tâm điều hành kết nối thông tin của thành phố; đảm bảo hạ tầng thông tin là một cấu phần bắt buộc trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; áp dụng mô hình thông tin đô thị CIM (City Imformation Model) và sử dụng dữ liệu lớn từ IoT để quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành đô thị.