Cách “lật tẩy” kim cương giả

GD&TĐ - Kim cương giả nhưng giấy kiểm định là thật. Giấy kiểm định và kim cương đều là giả… Đó là những chiêu trò mà người mua kim cương dễ gặp phải nếu không cẩn trọng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đủ chiêu làm giả

Mới đây bà Nguyễn Thị Minh (Q.3, TPHCM) đến một cửa hàng bán kim cương ở khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TPHCM). Tìm hiểu theo giấy tờ, viên kim cương bà định mua này có khối lượng 5,4 li, nước màu D.

Thấy “lý lịch” đàng hoàng, bà Minh đồng ý mua chiếc nhẫn gắn viên kim cương này. Nhưng chỉ được vài tháng, viên kim cương không còn sáng màu như lúc đầu. Đem đi kiểm định thì bà Minh phát hiện viên kim cương là nước F chứ không phải nước D như “giấy khai sinh”.

Một viên kim cương 5,4 li nước D, độ tinh khiết VVS1 có giá hơn 150 triệu đồng, còn nước F vào khoảng 68 triệu đồng. Trong khi đó, giấy kiểm định kim cương mà bà Minh mua được xác minh là thật. 

Theo phản ánh của chị Trần Hồng Nhung, ngụ tại TPHCM, đầu tháng 9 vừa qua chị mua lại viên đá quý ruby có trọng lượng là 1,257 gam từ một người quen, kèm theo giấy kiểm định của Công ty TNHH MTV Giám định PNJ (PNJL).

Nghĩ là mua được đá quý với giá hời, vì người bán lấy đúng bằng giá gốc trên giấy kiểm định là 750 USD (khoảng hơn 17 triệu đồng), trong khi giá thực tế đã cao hơn hẳn mức này.

Tuy nhiên khi đọc kỹ giấy kiểm định chị thấy không có chữ “giá trị viên đá”. Đem tới PNJL nhờ kiểm tra, chị nhận thông báo đó là giám định giả mạo. Viên đá ruby cũng là giả.

GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện Đá Quý, vàng và trang sức Việt cho biết, tình trạng giấy kiểm định thật mà kim cương là “giả” không hiếm.

Khác với những viên kim cương tự nhiên phải mất từ 10 - 20 triệu năm mới hình thành thì chỉ trong vòng 6 tiếng bằng công nghệ hiện đại, các nhà khoa học đã tạo ra được những viên kim cương nhân tạo giống y hệt kim cương tự nhiên cả về màu sắc, độ sáng...

Tuy nhiên, so với kim cương tự nhiên, kim cương nhân tạo rẻ gấp nhiều lần. Ví dụ kim cương tự nhiên 5,3 ly có giá khoảng 50 triệu đồng, trong khi đó, kim cương nhân tạo 5,4 ly, giá khoảng 450 nghìn đồng/viên.

Chiêu trò hay được áp dụng là những viên kim cương tự nhiên, chất lượng tốt, giá cao được đưa đi để giám định và có giấy khai sinh. Kẻ gian lấy giấy khai sinh này sử dụng cho một viên kim cương khác có chất lượng kém hơn hoặc kim cương tổng hợp với những thông tin về giác cắt, màu... gần giống như viên kim cương chất lượng cao.

Để trùng khớp, những viên kim cương “nhái” hay chất lượng kém sẽ được khắc mã số trùng mã số trên giấy kiểm định và được bán ra thị trường với giấy khai sinh của viên kim cương chất lượng cao.

Sau đó, viên kim cương tự nhiên ban đầu sẽ được mài cạnh mất đi mã số đã khắc trên đó rồi lại được đưa đi kiểm định để có giấy khai sinh khác.

Rồi một viên đá khác sẽ được sử dụng giấy khai sinh này ra thị trường như cách ở trên. Nhiều người mua kim cương thường dùng kính hiển vi soi mã số xem có trùng với giấy chứng nhận để ra quyết định mua, nhưng vẫn mua phải hàng giả.

Đừng tin vào giấy kiểm định

GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết, những viên kim cương nhân tạo rất giống kim cương thật, bằng mắt thường không phân biệt được.

Để không bị nhầm lẫn, người sử dụng, nhất là người sử dụng kim cương tự nhiên cần phải cẩn thận, khi mua cần phải mang tới các phòng kiểm định có chất lượng để kiểm định để tránh bỏ tiền mua kim cương thật nhưng lại mang về kim cương nhân tạo.

Không có cách nào chắc chắn hơn là đem kim cương trực tiếp đến các phòng kiểm định. Người có kinh nghiệm thì có thể nhận biết được gần chính xác kim cương tự nhiên và kim cương nhân tạo, nhưng phải là những chuyên gia kim cương.

Bởi kim cương tự nhiên là vật liệu cứng nhất, và ánh của kim cương tự nhiên thì không một vật liệu nào khác có được. Nhìn ở góc cạnh nào cũng sáng chói mắt là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của kim cương tự nhiên.

Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, có một đặc điểm của giấy kiểm định mà ít người để ý là mã vạch. Muốn biết giấy kiểm định đó có đúng hay không, chỉ cần dùng điện thoại thông minh chụp lại mã vạch để đăng nhập hệ thống quản lý giấy kiểm định.

So sánh với giấy kiểm định mình có, nếu thấy có bất cứ chi tiết nào, dù nhỏ nhất (kể cả dấu chấm, phẩy) không giống với giấy kiểm định lưu trữ trong hệ thống, thì đó là giấy kiểm định giả.

Ngoài ra ở Việt Nam hiện có rất nhiều phòng kiểm định độc lập, người mua hoàn toàn có thể đến đó để kiểm tra, xác định xem viên đá đó có đúng với các thông tin trên giấy hay không, loại giấy đó có đúng do một trung tâm kiểm định có uy tín cung cấp hay không.

“Lưu ý là những trung tâm kiểm định thuộc các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý chỉ chịu trách nhiệm kiểm định sản phẩm do công ty đó bán ra chứ không chịu trách nhiệm các sản phẩm giao dịch bên ngoài. Nên nếu bạn mua đá quý của cơ sở nào, thì có thể đến phòng kiểm định của cơ sở đó để kiểm tra, hoặc có thể kiểm tra chéo từ các trung tâm kiểm định độc lập.

Đối với loại giấy kiểm định đi kèm niêm phong viên đá, người ta thực hiện ép nhiệt để không thể cạy được viên đá ra một cách thủ công. Kiểm tra nếu có dấu hiệu của việc đã lấy viên đã ra thì có thể khẳng định viên đá đó là rởm”, GS.TSKH Phan Trường Thị cho hay.

Theo KS địa chất Hoàng Thị Tuyết, nguyên cán bộ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, khi mua đá quý tốt nhất là mua của các thương hiệu uy tín, tuyệt đối không giao dịch qua mạng bởi các chiêu trò làm giả hiện nay cực kỳ tinh vi.

Trường hợp không chắc chắn về nguồn gốc cũng như không có hiểu biết về giấy kiểm định, tốt nhất là nên sử dụng dịch vụ của các trung tâm kiểm định độc lập. Bằng mắt thường, ngay cả chuyên gia cũng không thể nhận biết được kim cương thật hay kim cương giả mà phải dưới các máy soi chiếu chuyên dụng mới có thể khẳng định được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.