Cách không 'đánh rơi' điểm môn Lịch sử

GD&TĐ - Cô Lê Thị Bích Hồng chia sẻ thí sinh bình tĩnh vận dụng tốt kiến thức thực tiễn để làm tốt câu hỏi khó, không nên hoang mang lo lắng.

Cô Lê Bích Hồng , giáo viên môn Lịch sử, Trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh Quốc – UKA Gia Lai (Gia Lai) cùng học sinh. Ảnh NVCC.
Cô Lê Bích Hồng , giáo viên môn Lịch sử, Trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh Quốc – UKA Gia Lai (Gia Lai) cùng học sinh. Ảnh NVCC.

Cẩn thận không để mất điểm oan

Theo cô Lê Bích Hồng , giáo viên môn Lịch sử, Trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh Quốc – UKA Gia Lai (Gia Lai): “Nội dung của đề thi Lịch sử trải dài theo chương trình học từ lớp 11 đến lớp 12, không cố định tập trung vào phần nào. Do đó trước ngày thi, các em nên hệ thống hóa kiến thức lần nữa theo các chủ đề.

Tổ hợp khoa học xã hội có 3 phân môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân thời gian 150 phút, mỗi môn 50 phút.

Môn Lịch sử thi trước tiên, sau khi phát đề các em nên đọc qua một lượt những câu nào kiến thức vững chắc nhất làm trước. Những câu mang tính suy luận cao nên đánh dấu lại và làm sau cùng”.

Cô Bích Hồng lưu ý: “Trong đề thi thường có khoảng 1/3 số câu tương đối dễ, các em có thể dùng phương pháp loại trừ.

Tuy nhiên sau khi làm được 2/3 số câu, thí sinh nên rà soát lại để nắm chắc điểm 2/3 câu đó để triển khai mới bước vào làm những câu khó”.

Theo cô Bích Hồng, để làm được điểm cao môn Lịch sử, thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Ngoài ra cần có những hiểu biết về các sự kiện đã và đang diễn ra ở trong nước và trên thế giới. Những câu khó cần bình tình tĩnh móc nối các sự kiện và suy luận thì sẽ làm tốt.

“Khác với các môn khoa học tự nhiên khi gặp câu hỏi khó thí sinh cố gắng giải đi, giải lại để tìm kết quả. Những câu khó của môn Lịch sử các em cần bình tĩnh suy luận kết hợp với các kiến thức thực tiễn đã được nghe, được biết qua các thông tin đại chúng như sách, báo, tivi, ....

Sau khi vận dụng các hiểu biết các em cũng có thể kết hợp thêm với loại suy vào khoảng thời gian hay không gian để chọn đáp án. Rồi chúng ta có thể dùng biện pháp so sánh, đối lập để tìm ra đáp án.

Cô Lê Bích Hồng , giáo viên môn Lịch sử, Trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh Quốc – UKA Gia Lai.

Cô Lê Bích Hồng , giáo viên môn Lịch sử, Trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh Quốc – UKA Gia Lai.

95% tổng số thí sinh đăng ký trực tuyến

Đến ngày 14/6, cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, 968.160 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm 95% tổng số thí sinh.

Trong đó, thí sinh tự do: 37.841 chiếm 3,69% tổng số thí sinh; thí sinh chỉ xét tốt nghiệp: 47.769 chiếm 4,66%;

Thí sinh chỉ xét tuyển sinh ĐH: 34.155 chiếm 3,33% tổng số thí sinh; thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh: 943.340 chiếm 92,91% tổng số thí sinh.

Có 323.187 thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (31,52%); 566.921 thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học xã hội (chiếm 55,30%). Số điểm thi trên toàn quốc là 2.273; tổng số phòng thi là 44.661.

Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp tổ chức Kỳ thi; phân công nhiệm vụ và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, diễn ra vào 4 ngày: 27, 28, 29, 30/6.

Trong đó, ngày 27/6 là ngày làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 tổ chức coi thi; ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.

Trước kỳ thi, các thí sinh nên học chắc kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng làm, củng cố kiến thức bằng cách luyện đề. Bên cạnh đó, giữ gìn sức khoẻ, ăn uống đủ các dưỡng chất để có sức khoẻ tinh thần và thể chất tốt.

“Kỳ thi đã đến gần, cô chúc các sĩ tử 2k3 bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh. Các em nên điều chỉnh lịch học, cân bằng tâm lý để không bị áp lực, căng thẳng quá trong những môn thi đầu tiên. Hãy để bản thân tâm lý thoải mái nhất chinh phục các môn thi. Chúc các em thi tốt”, cô Lê Bích Hồng , giáo viên môn Lịch sử, Trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh Quốc – UKA Gia Lai (Gia Lai) nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ