Bằng kinh nghiệm thực tiễn và học hỏi từ đồng nghiệp, nhất là kinh nghiệm từ các cán bộ thư viện của Tổ chức Room to Read chia sẻ tại lớp tập huấn do Sở GD&ĐT Đồng Tháp tổ chức, cô Thu Thuỷ đã đáp ứng những mong đợi của giáo viên, học sinh và phụ huynh từ những cách làm thiết thực, mang lại hiệu quả cao.
Cô Thủy chia sẻ, điều đầu tiên cần làm là phối hợp tốt với các bộ phận trong nhà trường, đặc biệt giáo viên Tổng phụ trách để tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh cảm nhận được ý nghĩa việc đọc sách tại thư viện trường học. Mỗi ngày, cô giới thiệu một quyển truyện có nội dung hay, ý nghĩa để học sinh tham khảo, chia sẻ và mượn và cho mượn về nhà để phụ huynh cùng đọc.
Cô Thủy cũng thông tin số lượng đọc sách mỗi ngày qua chương trình phát thanh măng non của trường; tuyên dương học sinh tích cực đọc sách tại thư viện và ở nhà bằng các hình thức: nhờ giáo viên khen trước lớp, khen dưới cờ, gửi thư khen về gia đình phụ huynh học sinh.
Không chỉ quan tâm, chăm lo cho học sinh, cô Thủy còn thường xuyên gặp gỡ phụ huynh để trò chuyện, tìm hiểu về cách thức đọc sách của các em ở nhà, đồng thời thông qua đó cô hiểu thêm việc sử dụng sách, nhu cầu đọc sách của phụ huynh để có cách thức phục vụ cho phù hợp.
Với nỗ lực và nhiệt huyết, học sinh Trường tiểu học Bình Thành 1 ngày càng chăm đến thư viện hơn, hứng thú với việc đọc sách hơn.
“Tôi mong rằng, phụ huynh hãy làm cầu nối bền vững hơn nữa, hãy là người bạn đồng hành với con, chung tay cùng nhà trường dìu dắt các con đến với tri thức. Lãnh đạo trường và chính quyền địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thư viện hoạt động được tốt hơn, để nơi đây không chỉ là nơi đọc sách mà còn là trung tâm trải nghiệm của học sinh, là nơi các em được rèn luyện và phát triển kỹ năng, hoàn thiện nhân cách” – cô Huỳnh Thị Thu Thủy mong mỏi.