Cách giúp con tránh cú sốc sau thi cử

GD&TĐ - Với nhiều trẻ, việc trải qua kỳ thi quan trọng nhưng không đạt được mong muốn là cú sốc tâm lý rất lớn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Do đó, cha mẹ cần giúp con giải tỏa căng thẳng, tránh sự tự ti, tiêu cực…

Tránh cú sốc tâm lý

Trong nhiều cuộc thi, đặc biệt Kỳ thi vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT, có những thí sinh thi tốt, nhưng nhiều em không hài lòng với kết quả. Điều này phụ thuộc vào năng lực học tập và nhiều điều kiện khác.

Trong khi đó, kết quả của kỳ thi ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí các em. Nếu kết quả thấp, các em sẽ rơi vào trạng thái chán nản, thất vọng, thậm chí có những hành động tiêu cực. Do đó, gia đình đóng vai trò quan trọng để giúp các em vượt qua “cú sốc” tinh thần.

Cô Nguyễn Thị Thương, Trường THCS Thuận Thành (Bắc Ninh) cho rằng, năng lực của con người không chỉ có ở việc học tập, mà năng lực học tập cũng không hoàn toàn đo bằng kết quả thi cử. Nếu các sĩ tử có năng lực học tập không cao, không như mong muốn thì có thể tài năng của các em lại phát huy ở nhiều góc độ khác.

“Nếu kết quả học tập chưa cao, hãy lắng nghe bản thân mình, cùng trao đổi, tâm sự với bố mẹ, thầy cô để tìm cho mình hướng đi khác. Có thể đó là sẽ là một con đường khác tốt hơn, tươi đẹp hơn cả so với những con đường mà các em tưởng là duy nhất”, cô Thương đưa ra lời khuyên.

Đối với con trẻ, chuyện học tập rất quan trọng. Do đó, thành công hay thất bại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí của các em. Vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành, quan tâm đến con trẻ từ trước, trong và sau khi các em bước vào các kỳ thi là rất lớn. Do đó, phụ huynh phải giúp các em hiểu cần học tập tối đa trong khả năng, luôn nỗ lực vươn tới mục tiêu.

“Nếu các em đã cố gắng hết sức, làm hết khả năng nhưng kết quả không như mong đợi thì cả cha mẹ và các con hãy vui vẻ chấp nhận. Sau đó, hãy tìm con đường đi khác. Đừng bao giờ coi con đường học tập, kết quả học tập là thứ duy nhất đánh giá một học sinh. Đừng bao giờ xác định con đường đi của con trẻ chỉ có học tập”, cô Thương nhấn mạnh.

Cũng theo cô Thương, nếu thấy con trẻ có dấu hiệu sốc, suy sụp, bố mẹ cần nâng đỡ tinh thần cho con. Không chỉ trích, phán xét, so sánh… Cần đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Cha mẹ có thể đưa các con đi chơi, tham gia một hoạt động nào đó... khích lệ con trẻ vượt qua khủng hoảng. Sau đó, hãy cùng ngồi lại với con để tìm kiếm một hướng đi mới phù hợp nhất.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh. Ảnh: NVCC.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh. Ảnh: NVCC.

Mở ra cơ hội cho con

Theo ThS Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), đối với các em thi trượt, đây có thể được coi như “cú sốc” đầu đời. Các em phải đối mặt với rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực như: Trách móc bản thân vì đã làm bài không tốt; xấu hổ vì thua kém bạn bè; sợ hãi, mặc cảm tội lỗi vì phụ sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô; lo lắng khi mọi người xung quanh hỏi han, phán xét… Không được cha mẹ sẻ chia, tháo gỡ kịp thời, các em có thể bị rối loạn lo âu, trầm cảm.

“Tôi đã từng tham vấn tâm lý cho một số trường hợp học sinh bị trầm cảm sau khi thi trượt. Đa phần các em thường có biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, thu mình lại, thường xuyên ở trong phòng, không muốn nói chuyện với ai. Đặc biệt, có những trường hợp đã suy nghĩ tiêu cực”, cô Lanh nói.

Các em học khá, giỏi cũng tự đặt ra cho mình những kỳ vọng cao hơn về kết quả thi. Bởi vậy, khi thi trượt, các em rất dễ bị sốc, bất ổn tâm lý. Theo cô Lanh, giai đoạn sau khi thi trượt, tâm lý các em rất nhạy cảm. Đôi khi một cái thở dài của cha mẹ cũng có thể khiến các em tổn thương. Thế nhưng, nhiều cha mẹ lại không chú ý đến điều này, quan tâm đến cảm xúc của mình hơn là cảm xúc của con.

Có không ít phụ huynh khi con thi không đạt nguyện vọng đã thể hiện rõ sự thất vọng, mắng mỏ, chì chiết, so sánh con mình không bằng “con nhà người ta”, nói ra những lời lẽ có tính sát thương cao, coi con là “đồ bỏ đi”, “đồ ăn hại”, “đáng xấu hổ”… Thậm chí, vẫn có những ông bố, bà mẹ dùng đòn roi để “nói chuyện” với con.

Những cách hành xử này không giúp thay đổi kết quả thi, mà chỉ khoét sâu hơn những tổn thương của con, làm xa thêm khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Nó có thể đẩy những đứa trẻ vào đường cùng, nảy sinh những suy nghĩ, hành động dại dột.

Nữ chuyên gia tâm lý chia sẻ, thay vì chỉ nhìn vào kết quả là con thi trượt rồi chỉ trích, đánh mắng con, cha mẹ nên ghi nhận sự nỗ lực của con trong suốt thời gian vừa qua. Các con đã phải chịu rất nhiều áp lực, vất vả ôn luyện ngày đêm, cha mẹ chính là người chứng kiến, hiểu rõ điều đó nhất. Kết quả thi dù không tốt nhưng các con cũng đã nỗ lực hết mình.

Để giúp con ổn định tâm lý sau cú sốc thi trượt, cha mẹ nên tăng cường trò chuyện, làm bạn với con, để con hiểu rằng cha mẹ luôn ở bên, đồng hành cùng con giải tỏa áp lực. Mặt khác, cha mẹ cần phân tích cho con hiểu rằng thất bại trong kỳ thi này chỉ là một trong những chuyện không như ý muốn mà con sẽ phải đối mặt trong cuộc đời. Hành trình để trưởng thành, để thành công luôn sẽ có những lần vấp ngã, sai lầm, thất bại. Con cần học cách đối diện, học bài học từ những thất bại, đứng dậy và trưởng thành sau những sai lầm.

Theo ThS Nguyễn Thị Lanh, gánh nặng tâm lý do thi trượt thường nặng nề hơn ở những em có học lực khá, giỏi. Đó là bởi những em này thường có quá trình học tập khá suôn sẻ, quen được khen ngợi, ít khi bị thất bại, chê trách, chưa trải qua nhiều thử thách về mặt tâm lý. Vì thế, khả năng chịu đựng thất bại, ổn định tinh thần khi đón nhận kết quả không như mong đợi từ một kỳ thi lớn sẽ yếu hơn các bạn khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.