Việc hiểu rõ những chi tiết cụ thể về con thông qua các bộ phim truyền hình, hướng dẫn có thể sẽ tạo nên sự khác biệt lớn trong việc gần gũi trẻ. Khi đó, cha mẹ sẽ dễ dàng hướng dẫn con vượt qua những thách thức trong học tập và cuộc sống.
1. Nói chuyện trong khi làm việc khác
Để mang lại cảm giác thoải mái cho trẻ, cha mẹ được khuyến cáo trò chuyện với con khi đi bộ hoặc lái xe đến trường, nướng bánh cùng nhau, hoặc trước khi đi ngủ. Những thời điểm và hoạt động này khiến khoảng cách giữa phụ huynh và trẻ nhỏ được thu hẹp. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy như đang chia sẻ, trò chuyện với bạn của mình.
Phần lớn mọi người đều có cảm giác thoải mái hơn khi trò chuyện trong lúc thực hiện một việc khác. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng cần nghiêm túc khi nói chuyện. Tuy nhiên, sự thật là, trẻ em thực sự cởi mở khi nói chuyện trong lúc làm những việc khác.
2. Tạo thói quen giao tiếp
Cha mẹ hãy quan sát phong cách trò chuyện của con. Tương tự như việc học, trẻ cũng sẽ có phong cách trò chuyện cố định. Một số trẻ có thể thường xuyên trò chuyện sôi nổi vào mỗi sáng.
Trái lại, nhiều trẻ hầu như không muốn giao tiếp với ai khi đến trường vào buổi sáng. Tuy nhiên, sau khi tan học, trẻ sẽ trở nên vui vẻ và cười đùa. Cha mẹ cần nắm bắt thói quen của trẻ, ví dụ như con lớn trong gia đình thích lặp đi lặp lại một vấn đề, con nhỏ muốn nói chuyện với tốc độ chậm rãi, hoặc có những trẻ không muốn phải trả lời quá nhiều câu hỏi.
Chìa khóa của sự cởi mở là không thay đổi những gì không thể. Thay vào đó, phụ huynh cần tôn trọng thời gian và cách nói chuyện tự nhiên của con. Cha mẹ hãy xây dựng thói quen nói chuyện cùng con. Một gợi ý nhỏ là, 15 phút đi dạo với trẻ hoặc thời gian rảnh rỗi có thể sẽ là chìa khoá tạo ra gắn kết trong giao tiếp giữa phụ huynh và con.
3. Gần gũi con
Khi trò chuyện, cha mẹ hãy trả lời con bằng cảm xúc thực sự. Phụ huynh không nên thể hiện mình là bậc trên, hoặc có những phản ứng mạnh mẽ, hay nói chuyện như một nhà trị liệu tâm lý. Gật đầu, gọi tên cảm xúc và ngẫm nghĩ lại là điều tuyệt vời mà cha mẹ có thể làm khi trẻ buồn, ốm hoặc sợ hãi.
Một điều quan trọng khác là phụ huynh cần quan tâm tới cuộc sống hằng ngày của con, thay vì nghe những điều đó từ người khác. Thực tế, việc trực tiếp nắm bắt mọi chi tiết trong cảm xúc của con sẽ giúp cha mẹ có cơ hội để chia sẻ nhiều hơn với trẻ.
4. Khuyến khích con có cảm xúc
Cha mẹ hãy hỗ trợ con chia sẻ. Bên cạnh chú tâm vào việc học, trẻ cũng cần có kiến thức về cảm xúc và khả năng kể một câu chuyện từ đầu đến cuối. Các vấn đề sẽ được giải quyết tốt hơn khi trẻ có thể nói mạch lạc với người khác. Như vậy, mọi người có thể cùng nhau tìm ra giải pháp.
Đôi khi, một số phụ huynh sẽ cảm thấy mất kiên nhẫn nếu trẻ chưa thể chia sẻ vào vấn đề chính của câu chuyện. Tuy nhiên, khi đó, phụ huynh hãy đưa ra những câu hỏi như: “Ai đã ở đó? Họ đã nói gì? Chuyện gì xảy ra tiếp theo?".
Những điều này giúp con cảm thấy được lắng nghe và chứng tỏ rằng, cha mẹ quan tâm đến toàn bộ câu chuyện. Trẻ sẽ nhận biết được khi nào phụ huynh hứng thú với câu chuyện của mình.
5. Chú ý tới chi tiết
Cha mẹ được khuyên nên quan sát vẻ ngoài của con. Thông thường, phần lớn trẻ nhỏ đều có cảm giác sợ hãi khi phụ huynh tìm hiểu sâu hơn về cảm xúc của con, như: “Điều đó khiến con cảm thấy thế nào?”. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý tới cách dẫn dắt câu hỏi, giúp con sẵn sàng chia sẻ.
6. Cha mẹ mở lòng trước
Yếu tố vô cùng quan trọng là cha mẹ coi trẻ làm trung tâm. Nếu muốn trẻ chia sẻ về bản thân, cha mẹ hãy là người mở lời trước và nói về mình.
Cụ thể, vào bữa tối, phụ huynh có thể dành một chút thời gian để mở lòng về một ngày của mình. Khi đó, con sẽ làm gián đoạn câu chuyện và thể hiện sự quan tâm. Lý do là bởi, khi cha mẹ chia sẻ về bản thân, trẻ sẽ liên tưởng tới những câu chuyện tương tự mà con gặp phải.
Ví dụ, nếu mẹ nói rằng mình đã cãi vã với một đồng nghiệp, trẻ có thể sẽ trả lời rằng: “Con đã gây gổ với một bạn trong giờ thể dục”.
7. Đưa ra lời khuyên
Mặc dù sống trong thời đại công nghệ phát triển, những đứa trẻ ngày nay vẫn khao khát được cha mẹ định hướng. Sau câu chuyện trẻ tâm sự, phụ huynh và con có thể cùng nhau thảo luận về cách xử lý tình huống vào lần sau. Khi đó, cha mẹ hãy hỏi ý kiến của trẻ và không nên ngại đưa ra ý tưởng của mình.
Tuy nhiên, phụ huynh không nên có cách chia sẻ như giảng bài. Thay vào đó, chỉ nói ngắn gọn và đưa ra hướng dẫn. Trẻ cần hiểu rằng, con sẽ có khả năng tự đưa ra quyết định dù không có phụ huynh ở bên.
“Mẹ không thể ở đó để đưa ra quyết định về việc con nên chia sẻ đồ chơi hoặc bí mật với bạn con hay không, nhưng đây là những gì mẹ nghĩ sẽ xảy ra...”, đây là câu nói mà phụ huynh có thể chia sẻ với trẻ. Khi trẻ biết rằng cha mẹ luôn kề bên, chắc chắn con sẽ cảm thấy gần gũi hơn và sẵn sàng mở lòng.