Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Xuân Thiện – Giáo viên Trường THPT 3 Cẩm Thủy (Thanh Hóa) - nếu sử dụng giấy A0 hoặc A1 để làm khăn phủ bàn như hiện nay, rất ít giáo viên áp dụng kĩ thuật này vào các tiết dạy vì mất thời gian để chuẩn bị giấy cho mỗi lần sử dụng, thời gian phát giấy, thời gian treo giấy.
Hơn nữa, với cách kê bàn ghế ở hầu hết các phòng học hiện nay rất khó để các nhóm học sinh phủ giấy lên bàn cùng viết đáp án hay ý kiến riêng của mình, dẫn tới đùn đẩy nhau viết trước, viết sau gây mất trật tự, mất thời gian, mất đi tính tự giác, chủ động sáng tạo.
Đặc biệt là những em chậm tiến sẽ trông chờ vào các bạn viết trước để chép lại, làm phản tác dụng của kĩ thuật day học này.
Thầy Nguyễn Xuân Thiện cho rằng, giải pháp đơn giản là dùng bảng phoóc và bút dạ sẽ hạn chế được những nhược điểm trên.
Cách thức sử dụng bảng phoóc để hạn chế những nhươc điểm trong kĩ thuât dạy học khăn phủ bàn được thầy Thành chia sẻ như sau:
Giáo viên chia lớp ra làm các nhóm, mỗi nhóm 4 em ngồi ở hai bàn trên, dưới gần nhau. Mỗi nhóm tự trang bị một bảng phoóc hình vuông có cạnh (70x70)cm, giẻ lau để sử dụng cho cả năm học, mỗi em một bút dạ để viết bảng. Học sinh chỉ cần chuẩn bị một lần để dùng cho mọi tiết học.
Để tăng độ cứng, ở viền bảng học sinh nên dùng nẹp nhôm nhỏ. Giáo viên cũng bố trí các móc treo để thao tác treo bảng nhanh hơn.
Đồng thời, việc kẻ bảng chia ô, đánh số thứ tự nhóm vào góc cũng cần được làm sẵn trước đó.
Dưới đây là sơ đồ cách để bảng phoóc phủ bàn và tư thế ngồi viết của học sinh trong mỗi nhóm:
![]() |
Cách kê bảng và tư thế ngồi như trên có thể giúp cho học sinh của mỗi nhóm cùng viết một lúc, trong khi đó nếu phủ giấy lên mặt bàn hẹp, mỗi học sinh lần lượt xoay giấy về phía mình để viết rất mất thời gian và thiếu tính chủ động.
Sau khi ý kiến của các thành viên viết xong, phải nhanh chóng thống nhất để đưa ra ý kiến chung của cả nhóm. Sau đó, nhóm trưởng viết ý kiến chung của cả nhóm vào ô giữa theo hướng chính của bảng.
Để thuận tiện cho việc này, nên để bảng lúc đầu sao cho hướng chính của bảng về phía nhóm trưởng.
Khi thu bảng, giáo viên chia số bảng ra làm hai lượt, mỗi lượt 6 bảng, sau đó treo bảng lên bảng chính như hình vẽ minh họa dưới đây:
![]() |
Sau loạt thứ nhất, giáo viên gỡ ra để treo loạt thứ hai lên để nhận xét, đánh giá, sau đó, chọn ra một vài bảng của các nhóm làm tốt nhất để tổng kết lại.
Sau mỗi lần sử dụng, ban cán sự lớp lên lấy bảng về cho các nhóm, các nhóm nhận bảng rồi dùng giẻ lau sạch để chuẩn bị cho các lần sau.
Như vậy, nếu có ý thức giữ gìn tốt thì chỉ một bảng nhỏ như vậy thôi các nhóm có thể dùng được rất nhiều lần trong cả năm học, còn giáo viên có thể sử dụng kĩ thuật này nhiều lần trong một tiết dạy mà không mất nhiều thời gian và công sức.