Không có gì là bí mật cả trong chuyện biết rằng đứa trẻ sẽ học được nhiều nhất về bản thân từ cách mà bố mẹ giao tiếp với chúng.
Vì chưa có thống kê nào được thực hiện tại Việt Nam, ta hãy tạm thời tham khảo từ các bà mẹ có con gái tại Mỹ, theo khảo sát gần đây từ Care.com, được hỏi tính từ nào họ thường dùng để gọi con mình, đa số (54%) trả lời là “xinh đẹp” trong khi chỉ có 15% trả lời là “thông minh”.
Chúng ta thật sự đang gửi thông điệp gì đến con đây, nếu vẻ ngoài đẹp đẽ là thứ mà chúng ta đang quá tập trung vào?
Dù không có gì hại cả khi nói với con rằng bé thật xinh đẹp, nhưng đừng để con nghĩ đó là điểm duy nhất chúng ta đánh giá cao ở bé.
Nếu niềm tin vào vẻ ngoài là điều duy nhất làm nền tảng tạo nên tính cách và sự tự tin của con, đó sẽ là điều rất nguy hiểm. Chúng ta, những người đi trước đã có được bài học rằng luôn có những người hơn mình, xinh đẹp hơn mình.
Đó là chưa kể con gái rồi sẽ nhanh chóng nhận ra được một sự thật là đánh giá của người mẹ rất khó có thể mang tính khách quan.
Một trong những cách tốt để nuôi dạy một cô con gái biết yêu quý bản thân và tự tin, mạnh mẽ là ghi nhận các điểm mạnh của bé. Thông điệp mà những bậc làm cha mẹ gửi đến con, do vậy, cần mang tính khích lệ, tiếp thêm sức mạnh cho con nhưng đồng thời phải trung thực, đừng tô hồng và thổi phồng mọi thứ.
1. Vẫn hãy nói với con rằng bé xinh đẹp, chỉ cần bạn bảo đảm giúp con hiểu được cả về vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp toát ra từ tính cách và hành động. Cách con suy nghĩ và xử sự sẽ có tác động lớn hơn đến cách mà mọi người nhìn nhận bé.
2. Chia sẻ với con niềm đam mê. Bạn sẽ có sự kết nối mạnh mẽ hơn với con mình nếu lưu tâm đến những thói quen, sở thích của bé. Bằng cách này, bạn đang cho thấy sự tôn trọng của mình dành cho con, con hiểu rằng bạn quan tâm đến tâm tư, sở thích của bé.
3. Giúp con xác định và làm chủ những thế mạnh của mình với niềm tự hào (chẳng hạn bé tô màu khéo, bé làm toán nhanh, bé có tài nấu nướng…); và hãy nhớ rằng có sự khác biệt rất lớn giữa tự tin và ngạo mạn đấy nhé.
4. Hãy động viên con, lắng nghe con nhưng đừng thuyết giáo con, hãy giúp con hiểu được những điều đang xảy ra trong thế giới của bé. Chia sẻ với con những câu chuyện về chính bạn khi còn nhỏ để chứng minh cho bé sự đồng cảm và thấu hiểu của bạn đối với hoàn cảnh của bé.
5. Khuyến khích, và nếu có thể, bạn hãy cùng con học thêm những kỹ năng cơ bản của một cuộc sống thực như thay bóng đèn, bảo trì xe cộ… những việc trước nay vẫn được coi là đàn ông – “phái mạnh”. Bây giờ là thời đại nào rồi, bạn đâu muốn con gái mình là “phái yếu” luôn phải “tựa bóng tùng quân” đúng không?
6. Chỉ ra những hình mẫu phụ nữ tích cực khi cùng con đọc hay xem tin, điều này không chỉ cho con gái của bạn thấy rằng điều gì cũng có thể xảy ra, mà còn khơi gợi được những cuộc trò chuyện với con về cách mà những phụ nữ đó đi tới thành công. Đừng lúc nào nói với con rằng họ thành công vì “học giỏi”, “chăm chỉ” mà nên tập trung vào những điều cụ thể hơn như: “khi bằng tuổi con, cô ấy rất thích đọc sách phiêu lưu, khám phá.”
7. Chia sẻ phương pháp xây dựng sự tự tin cho con gái với những người lớn khác có nhiều ảnh hưởng đến con. Một điều rất quan trọng là con gái bạn cần được nghe những thông điệp nhất quán từ những người xung quanh, đặc biệt là những người có nhiều ảnh hưởng đến bé, từ bà nội, cô giáo ở trường hay cô trông trẻ ở nhà.
8. Cuối cùng, việc khuyến khích niềm tin cho con gái cũng có mối liên hệ với cách mà chúng ta cảm nhận về bản thân, và niềm tự hào mà ta có vào khả năng của mình. Không phải vô cớ mà người ta nói rằng gia đình là tổ ấm, là nền tảng nâng bước, dìu dắt con nên người!.