Phân bón hóa học Urê là một trong những “phụ gia” thường được người bán hàng sử dụng để giữ cho cá biển, tôm, mực… tươi lâu, không bị ươn thối.
Ngoài ra, một số nơi còn sử dụng chất tẩy trắng để hải sản thêm tươi ngon, bắt mắt hay bơm thêm hóa chất vào để làm tăng trọng lượng…
Hải sản là món ăn được nhiều người yêu thích
Những loại hóa chất này ngấm trực tiếp vào đồ ăn, dù rửa nhiều lần vẫn khó có thể loại bỏ được chất độc, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Vì vậy, khi mua hải sản, cần quan sát, lựa chọn kỹ, tránh mua phải những loại đã bị ngâm qua hóa chất, để bảo vệ sức khỏe của cả gia đình.
Cách phân biệt hải sản sử dụng hóa chất
Những quan sát cẩn thận, tỉ mỉ bằng mắt thường có thể giúp bạn phân biệt được loại hải sản tươi ngon. Khi có dấu hiệu hỏng, ươn thối, hải sản thường có mùi tanh, ươn rất đặc trưng.
Dù người bán đã sử dụng các biện pháp để khử bớt mùi, nhưng nếu tinh ý, bạn vẫn có thể nhận ra mùi vị không tươi ngon này.
Với các loại cá, tôm, mực… khi bị nỏng thường nhão, không săn chắc tự nhiên như hải sản tươi sống. Khi bị ướp urê nhìn bề ngoài, hải sản có vẻ tươi, mắt trong, phần mang đỏ tươi hơn bình thường.
Tuy vậy, độ đàn hồi của hải sản không cao, khi ấn tay vào sẽ mềm, thịt lõm xuống, khi ngửi cảm thấy có mùi khai thay vì mùi tanh của hải sản. Hải sản ngậm hóa chất khi rửa qua nước bị mềm, không có độ ngọt, thơm tự nhiên khi chế biến.
Bạn cũng có thể quan sát, các loại hải sản tươi sống thường được người bán dùng rất nhiều đá để bảo quản, còn hải sản đã ướp hóa chất thường chỉ cần dùng rất ít đá mà vẫn tươi. Khi sơ chế, hải sản tươi như cá biển, phần mang cá vẫn còn đọng máu.
Cá đã qua ướp hóa chất khi nấu có nổi những bọt đen trên mặt nước, xương cá cũng đen. Với cá tươi, khi nấu không xuất hiện bọt đen trên mặt nước, xương có màu trắng. Nếu thấy món hải sản có bất kì dấu hiệu nào như trên, nên ngừng sử dụng để tránh bị ngộ độc, nhiễm độc.
Cách chọn tôm
Tôm là một trong các loại hải sản có nguy cơ cao bị nhiễm kháng sinh cấm, bị bơm tạp chất… Nếu ăn phải loại tôm này sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa.
Để tránh mua phải hải sản không an toàn thì người đi chợ cần sự tinh ý
Các dấu hiệu để nhân biết tôm bơm tạp chất:
Phần thân tôm cứng, thẳng đơ, phồng căng, to bất thường, đôi khi các đốt trên thân gần như bị giãn ra, khớp nối giữu đầu và thân tôm không chắc chắn. Khi nấu, tôm bơm tạp chất bị chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại, ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với tôm bình thường.
Để mua được tôm tươi ngon, nên chọn những con còn sống, không rớt chân càng. Nếu mua tôm đông lạnh, thử cầm phần đầu và phần đuôi tôm để kéo thẳng tôm ra.
Nếu các khớp nối giữa các đốt tôm khít thì là tôm mới, còn nếu các khớp này rộng ra tức là tôm đã bị để đông lạnh quá lâu. Nên chọn những con tôm có vỏ sáng bóng, tươi tắn, thịt trong, gắn chặt vào vỏ.
Cách chọn cá biển
Khi chọn cá biển, bạn hãy quan sát mang cá. Đây là bộ phận để nhận biết độ tươi của cá. Nếu cá còn tươi thì mang có màu đỏ tươi, không có mùi, không nhớt. Mang cá bị nhiễm độc không sáng trơn và có màu hồng thâm.
Những con cá bị nhiễm độc mắt không trong, vảy cá có dấu hiệu bong tróc nhiều, thân cá xuất hiện các đốm đen trông loang lổ hoặc bị đen toàn thân.
Để chọn cá ngon, nên chọn các loại cá còn nhớt. Nếu cá còn tươi mà không còn nhớt thì cũng không nên mua vì có thể chúng đã được ngâm tẩm khá lâu. Dùng tay ấn vào thịt cá, nếu thịt đàn hồi là thịt tươi, mùi tanh tự nhiên.
Cách chọn cua
Khi chọn cua, nhìn bên ngoài thấy lớp vỏ màu xám đục, dùng tay ấn vào yếm cua thấy rắn chắc, yếm to là cua có nhiều thịt. Không nên chọn cua có càng và mai trông hơi xanh, ấn tay vào yếm thấy mềm, vì đó là loại cua mọng nước, xốp, ít thịt, không ngon.
Bạn nên chọn con của có yếm vẫn còn bám chắc vào thân, chân và càng chuyển động khỏe mạnh, gai trên càng và mai cua vẫn sắc.
Cách chọn ghẹ
Có nhiều loại như ghẹ đỏ, ghẹ ba chấm, ghẹ xanh… nhưng ghẹ ngon, nhiều thịt và bổ dưỡng nhất vẫn là ghẹ xanh. Khi chọn ghẹ, không nên chọn con quá lớn. Những con to vừa phải có nhiều thịt và ngon hơn.
Chọn những con thật chắc, to bằng bàn tay người lớn, bấm vào yếm không lún. Theo kinh nghiệm, nên chọn ghẹ đực, bấm tay vào sát phần yếm, nếu không lõm thì đó là ghẹ chắc thịt. Ghẹ cái có nhiều gạch thường có màu hơi ngả vàng như màu đất phèn, chân càng chắc, không bị rơi rụng.
Cách chọn các loại ốc, sò
Khi mua ốc, nên chọn những con còn đang bò, khi chạm tay mới khép miệng lại. Với các loại sò, ngao, nên ngửi trước khi mua để chọn những con không có mùi hôi khó chịu, không mua những con đã bị mở miệng.
Cách chọn mực
Mực tươi là những con mực có lớp màng nâu bên ngoài da, bao quanh đều, ít sứt sẹo. Đầu mực còn dính nguyên và thân. Nếu thấy mực không có lớp da nâu, không có đầu và được bóc trắng nõn thì không nên mua, trừ mực đã được đóng gói trong siêu thị.
Với mực nang, bạn nên chọn con to, thịt có màu trắng đục; khi mua mực ống thì chọn con có lớp thịt màu trắng hồng, không có mùi tanh là được. Nên mua những co mực chắc thịt, phần than có độ đàn hồi tự nhiên, đó là mực chưa bị ngâm qua hóa chất.
Để đẩm bảo an toàn, nên mua hải sản tại các cơ sở đảm bảo, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tin cậy.