Cách “chơi” hiệu quả với người bạn tiềm thức

GD&TĐ - Tiềm thức là một nguồn thông tin, trải nghiệm vô tận, là một kho báu thực sự nếu bạn biết khai thác để tạo nên một phiên bản mới của chính mình, xuất sắc và thành công vượt trội.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Ta cần giao tiếp với tiềm thức bằng một ngôn ngữ đặc biệt, đó là năm giác quan: Thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Công cụ để giao tiếp với tiềm thức và in dấu là Sốc, Lặp, Văn hóa, Thôi miên, Thần tượng.

Bạn cần một kịch bản để giao tiếp với tiềm thức. Có bốn cách để giao tiếp với tiềm thức, khi ta cảm nhận, nghĩ điều gì, nói, hoặc làm việc gì, thì đó là ta cũng đang giao tiếp với tiềm thức. Bản chất của tiềm thức là chiếc camera lặng lẽ thu chép tất cả những gì ta cảm nhận, suy nghĩ, nói, nghe và hành động.

Khi ta hay lặp lại bất cứ hành động nào, tiềm thức sẽ cho ta thêm sự thôi thúc để thực hiện hành động ấy. Biết được quy luật của tiềm thức, ta sẽ thay đổi được và tự nâng cấp mình lên bằng cách loại bỏ thói quen xấu và thiết lập thói quen tốt. Xin nêu một ví dụ điển hình.

Anh A biết là việc dậy sớm, tập thể dục sẽ tốt cho sức khỏe, nhưng anh quyết tâm bao lần mà toàn ngủ quên, không thể dậy sớm được. Một lần, anh A thấy hãng Apple ra mắt điện thoại thông minh đời mới, anh rất thích chiếc điện thoại đó.

Anh đặt điều kiện cho mình, rằng nếu mình lập được thói quen dậy sớm tập thể dục thì anh sẽ tự thưởng cho mình chiếc điện thoại thông minh. Sau khi cam kết với chính mình, anh A ghi ra giấy cam kết đó, rồi thực hiện ngay hôm sau.

Anh đặt chuông báo thức lúc 5 giờ sáng. Khi chuông réo, dù vẫn rất buồn ngủ, nhưng anh kiên quyết trở dậy, tập thể dục 45 phút. Hôm sau, hôm sau nữa, anh vẫn đặt chuông báo thức vào 5 giờ sáng và đều đặn trở dậy tập thể dục đúng 45 phút.

Tự khép mình vào kỷ luật, sau 21 ngày liên tục dậy vào 5 giờ sáng và tập thể dục, anh A đã tạo được một thói quen tốt. Khi mỗi ngày, anh tự tỉnh dậy lúc 5 giờ sáng và tập thể dục mà không cần chuông báo thức kéo anh ra khỏi giường.

Ngày nào đó mà do đi công tác, không dậy sớm tập thể dục được thì anh thấy người bứt rứt không yên. Anh A đã thành công trong việc tạo thói quen tốt dậy sớm tập thể dục hàng ngày. Lúc đó anh mới tự mua chiếc điện thoại thông minh đời mới để thưởng cho mình.

Như vậy, bạn nghĩ gì, nói gì, nhìn thấy, nghe thấy điều gì, cảm giác được gì, và có hành vi nào, thì tiềm thức cũng đều biết hết. Tiềm thức như một đứa trẻ lên ba, nên muốn giao tiếp với tiềm thức hiệu quả để đạt những thành công như mong đợi, ta cần có kịch bản.

Ta cần ghi nhớ và sử dụng một công thức gồm bốn câu nói với tiềm thức: Tôi xin lỗi; Làm ơn tha lỗi cho tôi; Tôi yêu bạn; Cảm ơn bạn.

Đầu tiên, bạn cần đồng hành với tiềm thức, tiếp theo là dẫn dắt lại sự việc, rồi đưa ra hướng giải quyết khác tốt hơn, cuối cùng thì thuyết phục tiềm thức về kết quả như mong muốn.

Ví dụ điển hình mà tôi hay thực hiện để giao tiếp với tiềm thức, nhờ tiềm thức giúp tôi giải quyết vấn đề, đó là cơn đau bụng. Mỗi lần bị đau dạ dày do quá stress hoặc ăn những thức ăn không phù hợp, tôi thường xin lỗi cơ thể mình, mô tả lại sự việc dẫn đến tổn thương dạ dày.

Do tôi quá vui mà thiếu kiểm soát ăn uống khiến dạ dày làm việc vất vả, phải xử lý khối thức ăn không phù hợp. Tôi biết lỗi của tôi và xin cơ thể mình tha thứ. Tôi thực sự hối lỗi và tôi yêu cơ thể mình.

Tôi cảm ơn cơ thể vì đã tạo nên cơn đau để báo cho tôi biết những thức ăn nào là có hại cho tôi, những sự việc nào gây căng thẳng và tạo hậu quả không tốt cho cơ thể. Sau này tôi rút kinh nghiệm và tránh lặp lại những điều gây hại đó.

Nhưng giờ đây tôi còn nhiều việc quan trọng phải làm, để mọi việc của tôi được suôn sẻ, để giúp mọi người trong gia đình tôi, hoặc công ty tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ, cho nên tôi cần cơ thể cho tôi cảm giác thoải mái, dễ chịu và khỏe khoắn để tôi làm được những việc như đã đề cập.

Tôi đã thấy cơn đau dần hết. Cơn đau qua rồi. Gương mặt tôi đã tươi tỉnh trở lại. Tôi đứng lên và đi lại khỏe khoắn. Tuyệt vời quá! Tôi rất biết ơn và tôi yêu bạn.

Tôi cứ lặp đi lặp lại những suy nghĩ đó, thậm chí nói thành tiếng (lưu ý sử dụng ngôn từ tích cực) để tiềm thức của tôi chấp nhận. Khi tôi nói lên như vậy, là cách điều hướng tư duy, điều khiển tiềm thức chữa bệnh. Và thật kỳ diệu, cơn đau dạ dày đã qua đi.

Cùng với cách này, tôi còn có thể giúp bố mình vượt qua bệnh tai biến hai lần. Quả thực, cơ thể có khả năng tự chữa lành rất tuyệt vời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ