Đẩy mạnh công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục

Đẩy mạnh công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục

Chiều 13/1, tại Hội thảo Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục, Đoàn giám sát của Quốc hội đã nghe đại diện Bộ GD&ĐT trình bày Báo cáo về chủ đề phòng, chống xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục toàn diện, xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường; trong đó đã chú trọng công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, phòng chống xâm hại trẻ em trong trường học.

Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền đầy đủ, kịp thời hệ thống văn bản pháp luật nhằm phòng chống tội phạm và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường; gồm 15 Nghị định, Đề án và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; nhiều Thông tư, Chỉ thị, Quyết định, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng.

Ngay sau khi Luật Trẻ em có hiệu lực, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật trẻ em, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống BLHĐ  được ban hành, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện, tuyên truyền, phổ biến đến toàn bộ CBQL giáo dục các cấp, giáo viên, nhân viên, người lao động, học sinh và gia đình người học.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề đối với toàn bộ Lãnh đạo Bộ và các Vụ, Cục thuộc Bộ về quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ. Tổ chức tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT, trên Báo Giáo dục và Thời đại về các quy định của pháp luật liên quan đến quyền của trẻ em, công tác xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn về công tác an ninh trật tự, phòng chống BLHĐ, triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội trường học, xây dựng văn hóa học đường, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Trong các trường phổ thông, Bộ GD&ĐT chỉ đạo hướng dẫn tích hợp nội dung giáo dục phòng chống BLHĐ, xâm hại trẻ em; giáo dục kĩ năng sống vào chương trình của một số môn học, hoạt động giáo dục, ngoại khóa. Đây là hoạt động trang bị kiến thức và kĩ năng để HS chủ động xử lí các vướng mắc tâm lý, chủ động xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện, giảm nhẹ rủi ro do tâm lý gây ra, hình thành lối sống ngày càng đẹp hơn. 

Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại hội thảo
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại hội thảo

Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 về “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV”. Trong đó, công tác tư vấn tâm lý là một trong những giải pháp trọng tâm để giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực học đường cho trẻ em.

Tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương tùy điều kiện cụ thể để bố trí nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý (bên cạnh vị trí giáo viên kiêm nhiệm, các nhà trường có thể bố trí nhân viên hợp đồng có chuyên môn sâu về lĩnh vực tâm lý giáo dục để thực hiện công tác này mang lại hiệu quả góp phần phòng, chống BLHĐ, bạo lực giới, xâm hại trẻ em trong trường học.

Bộ đã ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học;  theo đó, các trường phổ thông có cán bộ theo dõi công tác xã hội, rà soát, thống kê các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để phối hợp cùng gia đình theo dõi, giúp đỡ các em hoàn thành nhiệm vụ học tập, rèn luyện; kết nối các chuyên gia, trung  tâm công tác xã hội tại địa phương, doanh nghiệp để hỗ trợ các em.

Bộ GD&ĐT đã tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra tại nhiều địa phương về triển khai công tác xây dựng an toàn trường học, phòng, chống BLHĐ, phòng, chống xâm hại trẻ em. Chỉ đạo các nhà trường triển khai công tác Ban đại diện cha mẹ học sinh, công tác phối hợp các lực lượng để bảo vệ, giáo dục trẻ em. Các nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng chống xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em, đến gia đình người học thông qua các buổi họp phụ huynh...

Bộ GD&ĐT đã chủ động tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền khá hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy, văn bản chỉ đạo các địa phương, trường học triển khai các hoạt động hướng dẫn kịp thời các giải pháp nhằm phòng, chống BLHĐ, xâm hại trẻ em.

Chính quyền địa phương các cấp đã bắt đầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm xử lý các vụ BLHĐ, xâm hại trẻ em; cơ quan công an đã tích cực xử lý, phối hợp tốt với ngành giáo dục tại các địa phương.

Công tác truyền thông thời gian qua đã đạt kết quả tốt, phát huy hiệu quả định hướng chỉ đạo và dư luận tốt hơn; bước đầu đã thay đổi được nhận thức xã hội về trách nhiệm các bên đối với vấn đề cần chung tay xử lý đứt điểm tình trạng BLHĐ, xâm hại trẻ em trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.