Các trường phải chứng minh đảm bảo chất lượng "đầu ra"

Các trường phải chứng minh đảm bảo chất lượng "đầu ra"

LTS:  Sau khi GD&TĐ đăng tải phương án xét tuyển của 4 trường ngoài công lập trong kỳ tuyển sinh tới, Báo đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục. 

Ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc – Hoàng Minh Quân: Luật Giáo dục Đại học cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh, nhưng có kiểm soát với các điều kiện đảm bảo chất lượng, với vai trò quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT bằng việc phê duyệt các phương án, kiểm soát hoạt động đào tạo. 

Thực tế, từ 3 năm trước, Bộ GD&ĐT đã chủ trương cho phép các trường thực hiện và đã từng giao thí điểm cho một số trường đại học lớn, chất lượng đầu ra có uy tín, được xã hội chấp nhận, lập phương án tuyển sinh riêng, là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương... nhưng cho đến nay vẫn chưa có trường nào đề xuất phương án tuyển sinh riêng cho mình mà vẫn phải dựa vào “3 chung”. 

Đảm bảo chất lượng vẫn là vấn đề cốt lõi trong đào tạo ĐH. Ảnh: Xuân Tùng
Đảm bảo chất lượng vẫn là vấn đề cốt lõi trong đào tạo ĐH. Ảnh: Xuân Tùng

Điều này cho thấy ngay cả các trường đại học lớn cũng phải nhìn nhận “3 chung” còn nhiều ưu điểm hơn là nhược điểm. Thời gian qua, chúng ta thành lập nhiều đại học mới, chất lượng đầu ra của các trường này sẽ được xã hội sàng lọc, kiểm chứng và các đơn vị sử dụng lao động lựa chọn đánh giá cụ thể. Thế nên việc cơ quan quản lí Nhà nước về GD&ĐT kiểm soát chất lượng đầu vào vẫn rất cần thiết. Tôi cho rằng, xét tuyển chỉ nên thực hiện ở những trường có bề dày truyền thống về đào tạo.

NGƯT Hoàng Thế Vinh – Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh: Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực trao quyền cho các trường tự chủ tuyển sinh. Việc năm 2012 nhiều trường ĐH, CĐ gặp khó khăn trong nguồn tuyển nên những kiến nghị bỏ điểm sàn hay mới đây là việc 4 trường đưa ra phương án xét tuyển riêng cho thấy các trường này đang hy vọng rất nhiều vào việc này. Luật cho phép các trường có quyền tổ chức tuyển sinh, như vậy các trường hoàn toàn có thể tự chủ động xây dựng các phương án xét tuyển. Nhưng vấn đề ở đây là phải kiểm soát được chất lượng đào tạo, Luật cho phép các trường tự chủ nhưng không được phép làm bừa. 

Tôi đồng ý với phương án tuyển sinh riêng được 4 trường ngoài công lập xây dựng, nhưng cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đào tạo, đảm bảo được chất lượng đầu ra của sản phẩm đào tạo. 

TS Phạm Văn Hồng -  Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics Hải Phòng:  Không thể “tháo khoán” hoàn toàn cho các trường tự chủ tuyển sinh khi chưa đủ điều kiện đảm bảo vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và quan trọng hơn người học, xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả. 

Muốn được tự chủ khâu này thì các trường lập phương án và đủ các điều kiện bảo đảm tuyển sinh nghiêm túc, các trường phải chứng minh được sản phẩm mình đào tạo ra được xã hội chấp nhận. Có thể hiểu ở đây, muốn được tự chủ xét tuyển thì các trường này phải đảm bảo đủ số lượng giảng viên, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp cho hoạt động giảng dạy. Đã có khóa sinh viên nào ra trường và được doanh nghiệp, xã hội đánh giá về hiệu quả đào tạo một cách khách quan chưa. 

Nhìn ở khía cạnh xã hội, ở các nước phát triển, hình thức xét tuyển được thực hiện khi tính tự chịu trách nhiệm của các trường này rất cao. Còn ở Việt Nam, điều này rất xa vời, các quy chế ràng buộc trách nhiệm có, nhưng việc thực hiện thì chưa đâu vào đâu. Có lẽ một phần do những khác biệt về văn hóa, con người... Theo tôi, cần phải có một tổ chức kiểm định giáo dục độc lập đánh giá một cách khách quan thì hãy nên triển khai cho các trường tự chủ xét tuyển, vì nếu không, xã hội sẽ gánh chịu hậu quả.

Nhà dân tộc học TS Trần Đức Chủng: Tôi ủng hộ chủ trương giao cho các trường tự chủ trong tuyển sinh với hình thức xét tuyển như vậy. Tuy nhiên phải gắn với điều kiện kinh tế  - xã hội của từng vùng, miền. Cách thức tuyển sinh theo hình thức xét tuyển như các trường ngoài công lập đề xuất như trên chỉ nên thực hiện với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh miền núi, vùng dân tộc. 

Thực tế cho thấy, ở những vùng miền này thì hình thức xét tuyển là hợp lý, vì học sinh có khi đi thi đại học chỉ đạt được tổng điểm là 7 - 8, nhiều khi các em cũng không tha thiết với việc học nên thực hiện xét tuyển ở khu vực này sẽ góp phần thực hiện tốt hơn lấp chỗ trống nguồn nhân lực cho khu vực này. Còn với các vùng đồng bằng, các tỉnh thành có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thì việc đồng ý cho xét tuyển dưới mức điểm sàn thi đại học là không nên, cho dù các phương án tuyển sinh riêng được Bộ GD&ĐT kiểm soát chặt, nhưng ai dám đảm bảo là không có sơ xuất nào xảy ra. Khi đó, các trường đào tạo không đạt chuẩn thì ai chịu trách nhiệm.

Dĩ Hạ (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.