Các trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo

Các trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp một số thắc mắc của công dân về các trường hợp phải thực hiện bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo, theo quy định tại Nghị định143/2013/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày hôm nay (10/12/2013).

Chi phí đào tạo phải bồi hoàn gồm học phí, học bổng, sinh hoạt phí và các khoản chi phí khác đã được ngân sách Nhà nước cấp - Ảnh minh hoạ
Chi phí đào tạo phải bồi hoàn gồm học phí, học bổng, sinh hoạt phí và các khoản chi phí khác đã được ngân sách Nhà nước cấp - Ảnh minh hoạ

Bà Phạm Thanh Lan (Đà Nẵng; email: lan8851@...): Tôi được biết, theo quy định tại Nghị định 143/2013/NĐ-CP, người học chương trình thạc sĩ từ nguồn ngân sách Nhà nước mà không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì phải bồi hoàn chi phí đào tạo.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã trúng tuyển đi học thạc sĩ tại Australia theo Đề án 599. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành khóa học, tôi dự định lấy chồng và ở lại Autralia cùng chồng. Xin hỏi tôi có phải bồi hoàn chi phí đào tạo không, nếu có thì khoản bồi hoàn này sẽ được tính như thế nào? Tôi ở Australia thì hình thức hoàn trả sẽ như nào?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP quy định “Người học theo học trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gấp 3 (ba) lần thời gian được hưởng chi phí đào tạo”. 

Trường hợp của bạn sau khi hoàn thành khóa học đã có dự định không trở về nước để chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như vậy bạn đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định.

Đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 3 bạn sẽ phải bồi hoàn 100% chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước. Trường hợp bạn ở bên Australia không về nước, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định gia đình bạn ở Việt Nam sẽ có trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo.

Bà Trần Thu Lan (Hà Nội; email: lantran_thu@...): Tôi công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo hình thức hợp đồng (chưa trúng tuyển viên chức) từ năm 2012. Năm 2013, tôi trúng tuyển đi học Tiến sĩ theo Đề án 911. Xin hỏi nếu sau khi hoàn thành khoá học, tôi không quay về trường Đại học Bách khoa Hà Nội công tác thì có thuộc đối tượng phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo Nghị định 143/2013/NĐ-CP không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Điều 2 Luật Viên chức quy định “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Khoản 3 Điều 1 Nghị  định số 143/2013/NĐ-CP quy định “Nghị định này không áp dụng đối với người học là cán bộ, công chức, viên chức và người học theo chế độ cử tuyển”. Như vậy, nếu bà làm việc theo chế độ hợp đồng và hưởng lương từ quỹ lương của trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì bà không đối tượng điều chỉnh của Nghị định số này.

Trường hợp sau khi hoàn thành khoá học, bạn không quay về trường Đại học Bách khoa Hà Nội công tác được điều chỉnh bởi Nghị  định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Ông Phạm Văn Thái (TP Hồ Chí Minh; email: thaipham_khcn@...): Sau khi tốt nghiệp Đại học năm 2012, tôi trúng tuyển đi học thạc sĩ theo hình thức học bổng của Nhà nước (năm 2013), thời gian học 2 năm. Vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 143/2013/NĐ-CP, xin hỏi nếu áp dụng theo Nghị định này, sau khi tốt nghiệp, tôi phải làm việc tại cơ quan được điều động trong thời gian bao lâu? Trường hợp tôi đang công tác tại cơ quan được điều động nhưng xin chuyển sang cơ quan khác (cũng là cơ quan Nhà nước) thì tôi có phải bồi hoàn chi phí đào tạo không? Nếu có thì mức bồi hoàn tính như thế nào?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP quy định “Người học theo học trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gấp 3 (ba) lần thời gian được hưởng chi phí đào tạo”, như vậy sau khi kết thúc khóa học bạn phải chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với thời gian là 6 năm.

Trường hợp bạn đang công tác tại cơ quan được điều động nhưng xin chuyển sang cơ quan khác (cũng là cơ quan Nhà nước), nếu được sự đồng ý chấp nhận của cơ quan điều động thì bạn không phải bồi hoàn chi phí đào tạo, trường hợp bạn tự ý chuyển, không được sự chấp nhận của cơ quan điều động thì bạn đã vi phạm quy định khoản 2 Điều 3 Nghị định và phải chịu bồi hoàn tính theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định.

Ông Nguyễn Anh Khoa (Bắc Ninh; email: anhkhoa88@....): Xin hỏi, người đi học theo hình thức học bổng của Nhà nước, nếu không chấp hành sự điều động làm việc và phải bồi hoàn chi phí đào tạo thì với trường hợp người học là con gia đình người có công, có được ưu tiên giảm mức bồi hoàn không? Trường hợp gia đình người học khó khăn có được xem xét trả dần khoản chi phí này không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Khoản 1 Điều 9 Nghị  định số 143/2013/NĐ-CP quy định “Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định này”. Vì vậy trình tự, thủ tục xem xét việc bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo, cách thức bồi hoàn, miễn giảm tiền bồi hoàn, biện pháp thu hồi chi phí đào tạo sẽ được quy định cụ thể bằng Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ