Các trường ĐH Sư phạm chủ động triển khai hoạt động bồi dưỡng bảo đảm chất lượng, hiệu quả

GD&TĐ - Sáng nay (17/9), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp về chuẩn bị công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán năm 2020 và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năm 2021.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp về chuẩn bị công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán năm 2020 và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năm 2021.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp về chuẩn bị công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán năm 2020 và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năm 2021.

Tham dự họp có Ban Quản lý Chương trình ETEP, Dự án RGEP, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Kế hoạch Tài chính và hiệu trưởng 7 Trường ĐH sư phạm, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục - các đơn vị tham gia Chương trình ETEP.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quán triệt quan điểm bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông là việc vừa trước mắt, vừa lâu dài và thường xuyên, liên tục, tại chỗ. Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cần tập huấn cái mới từ nội dung chương trình đến phương pháp.

Bộ trưởng chỉ đạo: Về tài liệu bồi dưỡng, các trường ĐH sư phạm được giao có trách nhiệm xây dựng, tập trung rà soát, thẩm định, nghiệm thu đảm bảo quy trình 18 bước đã được thống nhất, từ hồ sơ đến chất lượng và tiến độ. Các trường cùng góp ý, hoàn thiện thành bộ tài liệu có chất lượng tốt nhất để dùng chung. Các cục/vụ có nhiệm vụ chỉ đạo về chuyên môn và các hoạt động bồi dưỡng.

Về triển khai bồi dưỡng, giao các trường ĐH sư phạm chủ động làm việc với các Sở GD&ĐT, thống nhất kế hoạch bồi dưỡng và chủ động triển khai hoạt động bồi dưỡng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Căn cứ vào kế hoạch của các trường ĐH sư phạm, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục tham mưu cho Bộ có văn bản chỉ đạo các nhà trường, các địa phương thực hiện kế hoạch bồi dưỡng này.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục làm đầu mối, phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức giám sát, đánh giá hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, chỉ rõ những bất cập, tồn tại, hạn chế của chương trình/hoạt động bồi dưỡng, từ đó điều chỉnh để xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng trong năm tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ