Về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, Bộ GD&ĐT cho biết, để nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, Bộ GD&ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp:
Tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục 2019, trong đó quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS và giảng viên ĐH. Tuy nhiên, việc thực hiện nâng trình độ chuẩn cần có lộ trình triển khai để đảm bảo tính khả thi, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án: “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025”; “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, CBQL các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2030”. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các đề án này.
Chỉ đạo các địa phương quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho GV, CBQL; công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho CBQL, GV, nhân viên theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp được các địa phương quan tâm triển khai thông qua các hình thức khác nhau. Hiện nay, Bộ đang triển khai xây dựng và ban hành các chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV, CBQL các cấp học thay thế các chương trình bồi dưỡng thường xuyên trước kia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Ban hành các kế hoạch về đào tạo bồi dưỡng GV, CBQL đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; đồng thời chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; đề cao và tăng cường tự học tập, bồi dưỡng của GV và CBQL giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã thực hiện sửa đổi quy định về tuyển sinh sư phạm: Quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với cả hai phương thức xét tuyển theo kết quả học tập lớp 12 hoặc theo kết quả thi THPT quốc gia đối với các thí sinh dự tuyển vào các ngành đào tạo GV trình độ ĐH. Chỉ đạo các trường ĐH sư phạm, cơ sở đào tạo đào tạo GV thực hiện đổi mới chương trình đào tạo GV gắn với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới; gắn kết đào tạo với nhu cầu sử dụng GV của các địa phương; kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với các cấp quản lý giáo dục địa phương, với nhà trường...