Ông Hoàng Đức Bình - Giám đốc truyền thông Trường đại học Hoa Sen: Sẽ sử dụng điểm một kỳ thi quốc gia như là tiêu chí chính để xét tuyển
Nhìn tổng quan, việc tổ chức một kỳ thi sẽ giúp giảm gánh nặng thi cử cho học sinh, khâu tổ chức thi của các cơ sở giáo dục và tiết giảm đáng kể chi phí tổ chức và tham dự thi.
Với những điểm quan trọng đó, tôi cho rằng tổ chức một kỳ thi quốc gia có nhiều chuyển biến tích cực trong cải tiến giáo dục.
Vấn đề còn lại là làm sao để chất lượng của kỳ thi có độ tin cậy để căn cứ vào đó xét tuyển vào trường ĐH.
Với chủ trương của Bộ GD&ĐT thì đề thi dựa trên đề thi tuyển sinh đại học các năm; chúng ta có thể tin rằng, đề thi có thể không quá dễ để không thể phân hoá học sinh cho các nhu cầu tuyển sinh khác nhau.
Đối với các trường đại học, việc tuyển sinh thông qua kết của một kỳ thi quốc gia là khó dự báo vì đây là lần đầu tiên áp dụng hình thức này.
Về phía Trường đại Hoa Sen sẽ sử dụng điểm một kỳ thi quốc gia như là tiêu chí chính để xét tuyển. Theo đó, các ngành thuộc khối khoa học - công nghệ xét tuyển điểm môn Toán, Tiếng Anh và một trong các môn Hóa, Ngữ Văn và Lý;
Các ngành môi trường xét tuyển điểm môn Toán, Tiếng Anh và một trong các môn Sinh học hoặc Hoá học; Các ngành khối kinh tế xét tuyển điểm môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Các ngành khối dịch vụ Du lịch, Nhà hàng và Khách sạn xét tuyển điểm môn Toán, Ngoại ngữ và một trong các môn là Ngữ văn, Sử, Địa trong đó Ngoại ngữ hệ số 2.
Các ngành liên quan đến Ngôn ngữ Anh Xét tuyển môn Ngữ văn (hoặc Sử, hoặc Địa lý), Toán hệ số 1 và Tiếng Anh hệ số 2.
Cuối cùng các ngành thuộc nhóm thiết kế (đồ hoạ, thời trang, nội thất) và quản trị công nghệ truyền thông sẽ xét tuyển riêng theo hình thức vừa nộp tuyển tập nghệ thuật, thi tuyển môn trang trí màu và xét tuyển điểm môn Ngữ văn trong một kỳ thi quốc gia.
Chúng tôi cũng xác định đây là năm đầu thay đổi và sẽ có nhiều điều chỉnh. Mong muốn của Hoa Sen là sẽ tiến tới tự chủ tuyển sinh và cần có lộ trình.
GS Đào Văn Lượng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn: Hoàn toàn yên tâm về kết quả của kỳ thi để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng
Mặc dù phương án tổ chức đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được tính phân loại học lực của các thí sinh. Với phương án này, các trường đại học ngoài công lập nói riêng và các trường công lập nói chung dễ lựa chọn thí sinh theo đúng chuyên ngành mình cần tuyển.
Ngoài ra, thi theo phương án này cơ hội vào đại học của các em học sinh cũng sẽ rộng mở hơn, dễ dàng lựa chọn được những ngành học, trường học mình ưng ý và có định hướng học rõ ràng.
Việc bố trí thành các cụm thi như phương án của Bộ đưa ra là hoàn toàn hợp lý và hài hòa. Điều đó không chỉ thuận lợi cho thí sinh và người nhà mà còn góp phần giảm áp lực về chi phí.
Tuy nhiên, với những cụm thi do địa phương chủ trì theo tôi cần phải tăng cường cán bộ thanh, kiểm tra của Sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT nhằm đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi và tránh được những sự cố không đáng có.
Với kỳ thi này, tôi cho rằng các trường hoàn toàn yên tâm có thể lấy kết quả để tuyển sinh. Ngay như Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn của chúng tôi chắc chắn sẽ lấy từ kết quả này để tuyển sinh.
Ngoài ra chúng tôi còn đặt ra phương án là xét tuyển từ học bạ của các em học sinh có nguyện vọng vào trường theo học.
Tiến sỹ Trần Hành – Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai): Trường dễ tuyển, thí sinh dễ chọn trường
Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố. Tôi nghĩ rằng, mọi người cũng nên có cái nhìn khách quan hơn. Với phương án tổ chức thi mà Bộ đã công bố, các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể yên tâm lấy kết quả đó để làm xét tuyển vào trường.
Tiến sỹ Trần Hành
Rõ ràng ai cũng nhìn thấy ưu điểm của phương án này đó là: Tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội.
Ngoài ra không mất nhiều thời gian đi lại cho các thí sinh và người nhà. Điều quan trọng là giảm được áp lực thi cử cho các thí sinh.
Ngoài ra, tôi khá hài lòng và tâm đắc với phương án môn thi mà Bộ chính thức công bố. Đây được coi phương án tối ưu nhất và vẹn cả đôi đường.
Cụ thể là: Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Với phương thức này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các em thí sinh lựa chọn được những trường đại học, cao đẳng theo ý nguyện của mình còn các trường đại học thì sẽ tuyển được những sinh viên chất lượng và phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Thực tế tôi cũng thấy nhiều người còn băn khoăn, lo lắng và chưa thực sự tin tưởng vào kết quả của kỳ thi, nhưng tôi cho rằng đó là những băn khoăn không đáng có. Bởi thực tế ngay trong mỗi thí sinh đã có những nhận định và phân loại về học lực của mình.
Với những em có học lực giỏi thì các em sẽ lựa chọn vào những trường tốp trên. Tương tự, những em có học lực trung bình, khá thì không dại gì mà các em ấy lại đăng ký vào những trường đại học có điểm đầu vào cao.
Hơn nữa ngoài điểm thi của 4 môn tối thiểu chúng ta còn xét tuyển của quá trình học tập của lớp 12. Vì vậy, tôi cho rằng, các trường cũng đừng quá lo lắng và hãy tin tưởng kỳ thi này.
Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các trường cũng cần làm tốt công tác tư tưởng cho các giáo viên, tránh không thể các giáo viên có tư tưởng cục bộ địa phương.
Mặt khác cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong và ngoài khu vực trường thi.
Tiến Sỹ Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân: Rộng đường nguồn tuyển hơn cho các trường đại học, cao đẳng
Hơn nữa, công bố sớm phương án thi cũng tránh được tâm lý hoang mang, lo lắng cho các em và các em sẽ có cả một thời gian dài để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào kỳ thi.
Phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia mà Bộ vừa công bố cũng đáp ứng được tinh thần đổi mới theo Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo.
Điều quan trọng là, thi theo phương án này, các trường cũng rộng đường nguồn tuyển hơn và cũng có thể yên tâm dựa vào kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.
Với riêng Trường Đại học Duy Tân, mặc dù thứ 2 (22/9) tới đây mới họp Ban giám hiệu để bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, quan điểm của trường sẽ lấy điểm của kỳ thi THPT Quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh.
Sonh với những ngành học là thế mạnh và mũi nhọn của trường, dự kiến trường cũng sẽ có thêm một vòng sơ tuyển nữa.
Điều tôi quan tâm lúc này đó là: Đề nghị Bộ sớm ban hành quy chế tuyển sinh và cần có biện pháp hỗ trợ cho các trường đại học nhằm hạn chế số lượng hồ sơ ảo có thể tăng lên đột biến so với những năm trước.