Các tòa nhà Iceland bốc cháy do dung nham phun trào

GD&TĐ - Một ngọn núi lửa phun trào ở phía tây nam Iceland, phun dung nham nóng chảy vào một thị trấn gần đó khiến nhiều ngôi nhà bốc cháy.

Các nhà chức trách Iceland cung cấp cảnh quay ấn tượng từ trên không do núi lửa phun trào, ngày 14/1/2024
Các nhà chức trách Iceland cung cấp cảnh quay ấn tượng từ trên không do núi lửa phun trào, ngày 14/1/2024

Núi lửa phun trào ở Iceland

Các nhà chức trách Iceland mới đây cho biết, một ngọn núi lửa phun trào ở phía tây nam đất nước, phun dung nham nóng chảy vào một thị trấn gần đó khiến nhiều ngôi nhà bốc cháy. Đây là vụ phun trào thứ hai xảy ra ở khu vực này trong nhiều tuần.

Không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với cư dân Grindavik, một thị trấn đánh cá nhỏ đang có lệnh sơ tán.

Một webcam do đài truyền hình công cộng RUV của Iceland thiết lập cho thấy, một dòng dung nham chảy vào Grindavík, với những tòa nhà đang cháy chỉ cách những ngôi nhà khác vài mét.

Bà Hjordis Gudmundsdottir, người phát ngôn của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Iceland trước đó đã cảnh báo, dung nham hoàn toàn có thể tràn đến thị trấn, và làm hư hại cơ sở hạ tầng ngay cả khi nó được bảo vệ bởi những bức tường chống dung nham, và chính quyền đang theo dõi dòng chảy.

Hôm 13/1, Ủy viên Cảnh sát Quốc gia Iceland đã ra lệnh cho người dân ở Grindavík, nơi sơ tán lần đầu vào tháng 11/2023, phải sơ tán lại vào đêm 14/1/2024 sau khi các vết nứt núi lửa mở ra trên các con đường trong khu vực.

Trường dung nham được tạo ra bởi hoạt động núi lửa có thể được nhìn thấy ở nền trên cùng phía trên Grindavik trên bán đảo Reykjanes của Iceland, ngày 21/12/ 2023

Trường dung nham được tạo ra bởi hoạt động núi lửa có thể được nhìn thấy ở nền trên cùng phía trên Grindavik trên bán đảo Reykjanes của Iceland, ngày 21/12/ 2023

Bà Gudmundsdottir cho biết, cho đến nay, 60 hộ gia đình - 10% dân số của thị trấn - đã được sơ tán, và lưu ý thêm rằng, nhiều người vẫn chưa quay trở lại sau vụ phun trào tháng trước.

Sau vụ phun trào, cảnh sát đã nâng mức cảnh báo. Một máy bay trực thăng của cảnh sát biển Iceland cũng đã được triển khai để theo dõi tình hình.

Vài giờ trước khi phun trào, văn phòng khí tượng Iceland đã báo cáo về một trận động đất.

Nói về việc di chuyển bằng đường hàng không, Gudmundsdottir nói với CNN rằng, sân bay ở Keflavik gần đó vẫn an toàn vì vụ phun trào không tạo ra tro bụi có thể ảnh hưởng đến các chuyến bay. Bà nói:

Grindavík, cách thủ đô Reykjavík của Iceland trên bán đảo Reykjanes khoảng 70 km về phía tây nam, trước đó đã được sơ tán sau nhiều tuần hoạt động địa chấn mà đỉnh điểm là một vụ phun trào núi lửa kịch tính làm phun trào dung nham và tạo ra những đám khói khổng lồ bốc lên trên bầu trời.

Vết nứt sau vụ phun trào vào tháng 12/2023 đo được khoảng 4 km, trong khi vết nứt phun trào hôm 14/1/2024 dài khoảng 17 km.

Thị trấn này cũng là nơi có Đầm xanh nổi tiếng của Iceland, nơi thu hút khách du lịch đến với vùng nước địa nhiệt hấp dẫn, và là một trong những điểm tham quan được ghé thăm nhiều nhất của đất nước.

Lệnh sơ tán mới nhất được đưa ra sau khi Văn phòng Khí tượng Iceland hôm 13/1 báo cáo rằng, các mối nguy hiểm liên quan đến vết nứt núi lửa được coi là có nguy cơ cao hơn so với đánh giá trước đó.

“Dựa trên đánh giá mối nguy hiểm của Cục Bảo vệ Dân sự ban hành vào ngày 12/1, việc tiếp tục cư trú ở Grindavík là không hợp lý vì những cân nhắc về an toàn công cộng”, cơ quan chính phủ cho biết.

Cũng theo cơ quan này, lượng magma đã đạt đến mức tương tự như lần phun trào trước đó xảy ra vào tháng 12/2023. Nhưng trong trường hợp vụ phun trào mới nhất, magma có thể “di chuyển xa hơn về phía nam” so với vụ phun trào trước đó - và có thể đến thị trấn Grindavík.

Theo nhà chức trách, vụ phun trào vào tháng 12/2023 được cho là lớn nhất từ trước đến nay.

Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố vào tháng 11/2023.

Bao nhiêu ngọn núi lửa đang hoạt động ở Iceland

Iceland là nơi có 32 ngọn núi lửa đang hoạt động, và nằm trên một ranh giới mảng kiến tạo liên tục tách ra, đẩy Bắc Mỹ và Âu Á ra xa nhau dọc theo đường sống núi giữa Đại Tây Dương, vì vậy, đất nước này đã quen với các vụ phun trào núi lửa, dù chúng thường xảy ra ở vùng hoang dã, cách xa khu dân cư.

Hệ thống núi lửa Bardarbunga ở miền trung đất nước phun trào vào năm 2014, tạo ra dung nham bao phủ 84 km2 vùng cao nguyên nhưng không gây thiệt hại cho bất kỳ cộng đồng nào.

Các chuyên gia không mong đợi loạt vụ phun trào mới nhất sẽ gây ra mức độ hỗn loạn tương tự như năm 2010 khi núi lửa Eyjafjallajokull phun trào, vì nó khó có thể liên quan đến băng hà dẫn đến đám mây tro bụi khổng lồ.

Khoảng 100.000 chuyến bay đã bị hủy, ảnh hưởng đến 2 triệu người do tro bụi phun ra từ vụ phun trào năm 2010, đe dọa làm chết động cơ máy bay và gây mất điện.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiệm vụ của Ban quản lý tòa nhà