Sáng nay (6/9), lực lượng chức năng huyện Cô Tô (Quảng Ninh) kiểm tra khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ và các bãi ốc, yêu cầu các chủ phương tiện chằng chống thuyền bè, di chuyển người lên bờ trước 12h ngày 6/9.
Toàn huyện hiện có khoảng 10 hộ dân có nhà ở trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, nhà quá cũ, đã được hỗ trợ chằng chống mái nhà và di chuyển người vào khu vực tránh trú an toàn.
Tại phường Trà Cổ và Bình Ngọc, TP Móng Cái (Quảng Ninh), hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ đã tham gia hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, di dời phương tiện, lồng bè, tài sản, vật nuôi đến nơi tránh trú an toàn.
Sáng nay, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã tổ chức tuyên truyền, vận động và giúp ngư dân đưa 346 phương tiện, 326 bè nuôi trồng hải sản của 104 hộ, 199 tàu cá/747 thuyền viên về nơi tránh trú an toàn…
Tại Thái Bình, người dân trong tỉnh cũng đang cắt tỉa cành cây có nguy cơ gãy đổ, chằng chống, gia cố nhà cửa...
Đang dồn cát vào bao tải, anh Phạm Đình Hải, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình nói, nghe tin bão số 3 là siêu bão, cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua nên gia đình tôi rất lo lắng. Để gia cố nhà cửa, gia đình dùng bao tải, túi nilon cho cát vào mang lên mái nhà để gia cố.
Lo lắng khi bão vào gây mưa lớn, nước tràn vào nhà, gia đình bà Đào Thị Nghệ ở TP Thái Bình dùng gạch, vữa xi măng để xây bờ ngăn nước.
“Khu vực này, mưa to thường hay bị ngập, bão vào gây mưa lớn nước sẽ tràn vào nhà vì thế sáng nay gia đình tôi đã mua gạch, cát, xi-măng để xây bờ ngăn nước”, bà Nghệ nói.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã ban hành công điện khẩn yêu cầu hoãn các cuộc họp để tập trung cho công tác phòng, chống bão. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu...
Cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 5h sáng ngày 6/9.
Bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.
Di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ sản, hải sản các vùng bãi thấp ven sông, ven biển vào nơi an toàn. Các công việc này phải hoàn thành trước 18h chiều 6/9.
Tại Nam Định, tỉnh này cũng đã đình hoãn các cuộc họp không cấp bách để ứng phó với bão số 3.
Bắt đầu từ 6h ngày 6/9, tỉnh đã cấm các phương tiện ra khơi, cấm hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển.
Trong sáng nay, người dân tại các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng vẫn tiếp tục gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây cối…
Toàn tỉnh Nam Định hiện có 1.714 tàu cá, với lao động khai thủy sản trực tiếp trên biển là 5.287 người.
Đến 17h ngày 5/9, các đơn vị Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định đã sắp xếp neo đậu 1.569 phương tiện/4.842 ngư dân. 230 phương tiện/695 ngư dân ngoài tỉnh đang neo đậu tại các bến trong địa bàn và 692 lao động ở 622 lều, chòi ven biển biết về tình hình bão để chủ động vào nơi tránh trú an toàn.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, lúc 4h ngày 6/9, siêu bão Yagi đang ở vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 200km, cách Quảng Ninh 620km. Bão duy trì sức gió mạnh nhất 201km/h - cấp 16 siêu bão, giữ hướng tây và di chuyển rất nhanh 20km/h.
Hôm nay, bão đi thấp hơn xuống phía Nam, khả năng chiều nay sẽ vào đảo Hải Nam chứ không vào bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc như dự báo chiều qua.
Đến đêm, bão vào vịnh Bắc Bộ, giữ sức gió cấp 13-14 (134-166km/h), giật cấp 17 và chếch lên hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20km/h.
Do bão đi thấp xuống Nam, tốc độ nhanh hơn nên thời điểm đổ bộ sẽ sớm hơn, khoảng trưa mai. Vị trí đầu tiên tâm bão đi vào nhiều khả năng là khu vực giữa Quảng Ninh và TP Hải Phòng, cường độ cấp 10-12, tức tối đa 133km/h, giật cấp 14.
Bão sau đó đi sâu vào Đông Bắc Bộ gây gió mạnh cấp 6-8 (tối đa 74km/h), giật cấp 9-11. Thời điểm gió mạnh nhất là từ sáng đến chiều tối 7/9.