Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp ở Campuchia, các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ (miền Tây) đã, đang kiểm soát, tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch.
Trong đó, vấn đề kiểm soát người nhập cảnh trái phép, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất để cách ly, điều trị và tuyên truyền người dân thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế đang được triển khai mạnh.
Những ngày này, lực lượng BĐBP, quân sự, công an tuần tra 24/24 trên tuyến biên giới Tây Nam quyết không cho người nhập cảnh trái phép. |
Không để lọt đối tượng nhập cảnh trái phép
An Giang có khoảng 100km đường biên giáp Campuchia, 2 cửa khẩu quốc tế và rất nhiều đường mòn, lối mở, đây là thách thức cho việc quản lý người xuất nhập cảnh. Trong đó, nhiều nơi chỉ cách một con kênh là đã sang biên kia biên giới. Vì vậy việc quản lý người xuất nhập cảnh, trao đổi hàng hoá luôn được ngành chức năng tỉnh An Giang tăng cường kiểm tra.
An Giang vẫn đang duy trì 200 tổ với 1.415 cán bộ, chiến sĩ thực hiện chốt chặn, kiểm soát cố định và kiểm soát lưu động trên biên giới để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới và phòng, chống dịch Covid-19.
Kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, siết chặt kiểm soát tất cả các đường mòn, đường tắt, kênh rạch thông qua biên giới; không để sót lọt đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly.
An Giang cũng có 50 cơ sở cách ly tập trung và 16 cơ sở điều trị Covid-19. Tỉnh cũng chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường.
Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới tỉnh Kiên Giang. |
Ngày 24/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa tỉnh tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm "phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình".
Lãnh đạo địa phương phải quyết liệt chỉ đạo thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch. Chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch.
Tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Y rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh; rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong tình hình mới...
Lực lượng BĐBP, quân sự, công an, UBND các tỉnh, thành, thị xã, thành phố biên giới tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới; phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép...
Sẵn sàng mọi tình huống ứng phó
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đánh giá, tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia rất dài và nhiều đường mòn, lối mở.
Theo nhận định, nếu hết thời gian phong toả, giãn cách xã hội các khu vực có trường hợp nhiễm bệnh ở Campuchia thì khả năng người lao động Việt Nam làm việc Campuchia và các nước khác qua cửa khẩu Hà Tiên để về nước rất đông.
Tuyến đường biên giới trên sông, trên biển cũng được lực lượng chức năng kiểm soát chặt. |
Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu lực lượng chức năng phải tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép. Tỉnh yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân hiểu được tình hình dịch bệnh trên bàn, từ đó nâng cao ý thức của nhân dân vùng biên giới để chủ động, tự giác phòng, dịch, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Huy động cả hệ thống chính trị; các địa phương sâu sát hơn trong quản lý địa bàn nơi cư trí, kịp thời báo cáo những trường hợp phát hiện xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn.
Hiện nay, Kiên Giang bố trí 128 chốt, tổ và có trên 1.000 chiến sĩ thường xuyên trực kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới. Trên biển bố trí 26 chốt cố định và 18 tổ cơ động.
Ngoài ra còn có 9 tàu và 2 xuồng tuần tra của lực lượng biên phòng, hải đoàn 28, kiểm ngư, Vùng 5 Hải quân và Vùng Cảnh sát biển 4.
Tại Đồng Tháp: Phó Chủ tịch tỉnhĐoàn Tấn Bửu cho biết, tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực, siết chặt kiểm soát, quản lý khu vực biên giới, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.
Lãnh đạo tỉnh cho rằng, Đồng Tháp gặp khó khăn trong công tác tiếp nhận, quản lý các đối tượng nhập cảnh từ nước bạn Campuchia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho biết, thời gian qua, tỉnh phát hiện và đưa đi cách ly tập trung nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép bằng đường biển. Trong đó, đa phần là người ở các tỉnh, thành phía Bắc đi lao động ở nước ngoài, khi dịch bệnh xảy ra bị thất nghiệp, nên móc nối với các tàu cá của Cà Mau để về quê bằng đường biển.
Tỉnh đã huy động lực lượng biên phòng phối hợp với các lực lượng có liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ địa bàn.
Lực lượng biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) tuyên truyền người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện người lạ nhập cảnh trái phép báo ngay cho lượng chức năng. |
Theo đánh giá, Cà Mau có đường bờ biển dài, ngoài các cửa biển lớn, còn rất nhiều cửa sông thông ra biển, nên việc quản lý địa bàn gặp khó khăn.
Để ngăn chặn, phát hiện kịp thời các đối tượng nhập cảnh trái phép, ngoài huy động lực lượng chính quy, Cà Mau còn triển khai lực lượng cộng tác viên ở ấp để theo dõi, phát hiện kịp thời người nhập cảnh trái phép.