Miền Tây khẩn trương ứng phó hạn, mặn

GD&TĐ - Sau Tết Nguyên đán, nước mặn xâm nhập sâu vào nhiều cửa sông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo dự báo, mùa hạn mặn năm nay diễn biến khó lường, các địa phương đang khẩn trương ứng phó.

Hệ thống đập ngăn mặn đang được các địa phương ĐBSCL đầu tư xây dựng.
Hệ thống đập ngăn mặn đang được các địa phương ĐBSCL đầu tư xây dựng.

Gần 90 nghìn ha lúa, cây trái bị thiệt hại

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xu thế xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 - 2021 ở ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong thời kỳ từ 12 - 16/3 và từ 27/3 – 1/4.

Riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 4 (từ 9 - 14/4 và từ 26 - 30/4), sau giảm dần. Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, nắng nóng bắt đầu trở nên gay gắt và độ mặn tại các địa phương đã lên cao. Thực tế tình hình mặn xuất hiện bắt đầu từ trung tuần tháng 12/2020 cho đến hiện tại thì mặn xuất hiện dày hơn. Nó làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong các vùng bị ảnh hưởng. Độ mặn đo được gần đây tại khu vực Trần Đề (Sóc Trăng) luôn ở mức trên 16‰ và có ngày mặn xâm nhập sâu vào địa bàn các xã thuộc huyện Kế Sách đến 4‰.

Theo dự báo mùa hạn mặn năm nay, ranh mặn 4 g/lít trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (Long An) có khả năng xâm nhập sâu cách cửa biển 53 - 60 km. Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại (Tiền Giang), mặn xâm nhập từ 45 - 55 km. Sông Hàm Luông, Cổ Chiên (Bến Tre, Trà Vinh), mặn đi sâu vào đất liền 50 - 57 km. Trên sông Hậu (Sóc Trăng, Trà Vinh), mặn xâm nhập 45 - 53 km…

Theo ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nguồn nước lưu vực sông Mê Công đến giữa tháng 2/2021 ở mức ít nước. Điều này khiến nguồn nước ĐBSCL, đặc biệt là vùng ven biển sẽ gặp khó khăn từ cuối tháng 2 - 3/2021. Hiện trạng xâm nhập mặn đến ngày 16/2 cao hơn trung bình nhiều năm 6 -  13 km.

Nhà vườn huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tự làm ao nổi trữ nước ngọt để sử dụng trong mùa hạn mặn.
Nhà vườn huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tự làm ao nổi trữ nước ngọt để sử dụng trong mùa hạn mặn.

Khẩn trương ứng phó

Các địa phương ĐBSCL đang tập trung ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 với kịch bản ứng phó có sự tham gia của Nhà nước và nhân dân.

Phía Nhà nước, các địa phương tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống đập ngăn mặn; xây dựng các hồ điều tiết, ao, hồ trữ nước ngọt. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các công trình thủy lợi đối với các vùng thường bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn như vùng Long Phú - Tiếp Nhựt, các cù lao trên sông Hậu và vùng dự án Kế Sách.

Đặc biệt đối với vùng thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt thì các hệ thống cống, đê bao cũng đã được duy tu, sửa chữa kịp thời, đảm bảo năng lực ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, từ đầu mùa khô, các đơn vị đã triển khai hàng loạt công trình ứng phó với hạn, mặn như: Công trình nạo vét các kênh, xây dựng các cống.

Ứng phó với nước mặn từ sông Tiền xâm nhập vào vùng sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh Tiền Giang đã cho xây dựng đập thép tạm trên tuyến kênh xáng Long Định, huyện Châu Thành. Ngoài các đập thép tạm ngăn mặn, tỉnh Tiền Giang còn xây dựng 7 đập ngăn mặn khác trên các tuyến kênh, rạch thông qua tuyến đường huyện 35 thuộc địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy.

Theo ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, việc xây dựng các đập nêu trên nhằm đảm bảo nước tưới cho trên 128.200 ha đất sản xuất nông nghiệp. Nó cũng là nguồn nước cấp cho 3 nhà máy nước phục vụ cho khoảng 1,1 triệu người dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An...

Về phía người dân, đặc biệt là vùng trồng cây ăn trái tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long bị thiệt hại nặng nề trong mùa hạn mặn năm 2020 nên năm nay có sự chủ động. Nhiều hộ dân đầu tư hệ thống ao, hồ, ao nổi tích trữ nước ngọt. Nhiều nhà vườn tận dụng hệ thống ao hồ trong vườn cây ăn trái để chứa nước mưa và nước ngọt…

Từ tháng 9/2020, anh Nguyễn Văn Tám, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đầu tư hệ thống ao nổi trong vườn. Với lượng nước ngọt trữ được, gia đình anh yên tâm khi mùa hạn mặn sắp tới.

“Bằng cách chứa nước ngọt trong ao hồ và hệ thống ao nổi, vườn sầu riêng của tôi sẽ cầm cự được khoảng 2 tháng cao điểm hạn mặn. Năm trước thiếu nước, phải tưới nước mặn làm nhiều cây ăn trái bị chết và suy giảm năng suất. Năm nay chuẩn bị trước để cố gắng duy trì vườn cây. Hy vọng hệ thống cống đập ngăn mặn của Nhà nước và sự chủ động của người dân sẽ phát huy hiệu quả”, anh Tám cho biết.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), để ứng phó với hạn mặn, nông dân trồng cây ăn quả tại các tỉnh ven biển đã chủ động tích trữ nước để tưới cho vườn cây ăn trái. Theo ước tính của Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre trong năm 2020 có khoảng 500 ao với dung tích 500m3 nước/ao được nông dân thiết kế.

Tại tỉnh Tiền Giang rút kinh nghiệm thiệt hại cây sầu riêng trong mùa khô năm 2019 - 2020, tại huyện Cai Lậy nông dân đã đầu tư 1.200 dụng cụ tích tưới nước, trong đó có 109 ao với dung tích 2.000 m3 nước/ao để tích nước trong mùa khô. Các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh nông dân đang tích cực tích trữ nước trong mùa khô...

Với tình trạng xâm nhập mặn như hiện nay, nguy cơ thiệt hại vụ Đông Xuân 2020 - 2021 ở lúa là khoảng 37.822 ha. Trong đó tỉnh Long An khoảng 1.500 ha thuộc địa bàn TP Tân An, huyện Thủ Thừa; tỉnh Trà Vinh khoảng 11.000 ha thuộc huyện Trà Cú, Cầu Ngang; tỉnh Bạc Liêu khoảng 25.322 ha thuộc huyện Phước Long, Vĩnh Lợi, Hòa Bình. 
Đối với cây ăn trái, dự báo rủi ro tổng diện tích khoảng 50.078ha. Trong đó tỉnh Tiền Giang khoảng 16.607 ha; Bến Tre 15.797 ha; Sóc Trăng 3.424 ha; Long An 6.133 ha; Vĩnh Long 1.858 ha; Hậu Giang 1.681 ha…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.