Các thao tác trên 3 nút bấm chính: Home, Back và Menu

Nếu đã và đang sử dụng smartphone hay tablet chạy Android, có thể bạn đã quen với 3 phím bấm Home, Back và Menu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ẩn đằng sau 3 phím này là hàng loạt tính năng hữu dụng đã bị bỏ quên.

Các thao tác trên 3 nút bấm chính: Home, Back và Menu

Nút Home

Nút Home có hình vẽ của một nhà, thường nằm giữa nút Back và Menu. Tính năng của nó tương tự như phím có hình lá cờ Windows trên bàn phím máy tính.

Nghĩa là, khi đang ở màn hình chơi game, nhắn tin hay dùng bất kỳ ứng dụng nào, bạn chỉ cần chạm tay vào nút Home là các màn hình ứng dụng đang mở sẽ bị ẩn đi, và màn hình chính của điện thoại hiện ra.

Nhờ nút này mà người dùng điện thoại có thể vừa giữ cuộc gọi và vừa xem lại tin nhắn, hoặc mở danh bạ điện thoại để tìm một số điện thoại cho người đang gọi; chỉ cần bấm nút Home trong khi vẫn để cuộc gọi để trở về màn hình chính của điện thoại rồi mở mục tin nhắn, hay danh bạ.

Ngoài ra, khi bạn chạm và giữ tay trên nút Home trong khoảng vài giây thì sẽ thấy danh sách các ứng dụng đang chạy hiện ra để bạn tắt chúng bằng cách chạm và giữ tay lên cửa sổ của từng ứng dụng và trượt sang trái (hay sang phải).

Sau khi Google nâng cấp phiên bản mới cho Android và hỗ trợ tính năng tìm kiếm bằng giọng nói (voice), việc chạm và giữ phím Home cũng sẽ đưa bạn đến màn hình tìm kiếm trên Google bằng cách đọc to từ tìm kiếm, thay vì nhập từ bàn phím.

Nút Back

Nút Back có hình vẽ của một mũi tên hướng sang trái (tùy hãng sản xuất điện thoại, hình vẽ này chỉ đơn giản là một dấu nhỏ hơn, hoặc hình vòng cung có mũi tên hướng về bên trái).

Nút này sẽ đưa bạn trở lại màn hình trước đó của màn hình đang xem, hoặc lựa chọn thoát ứng dụng... Chẳng hạn, khi ở màn hình đọc tin nhắn của ai đó, bạn bấm phím Back thì nó trở về màn hình hiển thị các tin nhắn; hoặc khi lướt web, bạn bấm phím Back để trở lại trang web vừa xem trước đó...

Còn khi đang ở màn hình chơi game hay màn hình của một ứng dụng nào đó, bạn bấm phím Back thì có thể thấy màn hình có nút Exit (hoặc Thoát) hiện ra, để bạn chọn tắt game hay ứng dụng đó.

Tuy nhiên, thực tế thì hiện nay phần lớn các ứng dụng không được tắt theo cách này, tức là sau khi bấm nút Exit thì bạn vẫn tìm thấy cửa sổ ứng dụng đó trong màn hình liệt kê các ứng dụng đang chạy.

Nút Menu

Nút Menu có hình vẽ là 2 hình chữ nhật (hoặc hình vuông) chồng lên nhau, hoặc các đường kẻ song song nhau. Ở các thiết bị dùng hệ điều hành Android nguyên bản (không bị hãng sản xuất điện thoại tùy chỉnh), thì nút này dùng để thiết lập các tính năng của ứng dụng đang chạy; hay thiết lập hệ thống nếu bấm vào nó khi điện thoại ở màn hình chính.

Về cơ bản thì nút này tương tự như phím bấm có hình con trỏ chuột (phím nằm cạnh phím Ctrl bên phải, và cạnh phím có hình lá cờ Windows).

Chẳng hạn, ở màn hình xem tin nhắn, bạn có thể chạm vào nút Menu để làm xuất hiện menu chứa các lệnh tác động lên tin nhắn đó, như chọn tin nhắn, chèn số điện thoại từ danh bạ (khi có ai đó nhắn tin xin số điện thoại), gọi điện thoại thấy hình...

Hoặc ở màn hình ứng dụng Gmail đang mở, khi chạm vào nút Menu, bạn sẽ nút menu bạn sẽ thấy các lệnh làm mới hộp thư, cài đặt hộp thư như khi bấm vào nút Settings. 

Còn khi đang xem một email thì việc chạm vào nút Menu sẽ hiện ra các lệnh di chuyển, dánh dấu quan trọng, báo cáo thư rác... hay khi đang soạn thư thì bạn sẽ tìm thấy lệnh đính kèm file (attach file)...

Khi ở màn hình chính của điện thoại, bấm nút Menu bạn sẽ thấy các lệnh thay đổi hình nền màn hình, quản lý ứng dụng, cài đặt hệ thống (giống như khi bạn chạm nút Settings).

Ở một số dòng điện thoại cũng chạy Android nhưng được hãng sản xuất tùy biến giao diện hoặc một số tính năng của Android gốc, thì khi bạn chạm vào nút Menu sẽ thấy màn hình liệt kê các ứng dụng đang chạy để bạn tắt chúng bằng cách chạm lên cửa sổ của từng ứng dụng và trượt sang phải hoặc trái. Thường thấy trên điện thoại HTC, máy tính bảng Asus FonePad...

Riêng dòng máy tính bảng Asus FonePad thì khi bạn chạm lên nút Menu và giữ trong vài giây thì sẽ chụp được những gì đang hiển thị trên màn hình (tương tự như cách bấm giữ nút nguồn và nút giảm âm lượng ở một số dòng điện thoại).

Theo KHPT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ